Viết báo kiếm 10 triệu đồng/tháng

Rất nhiều người không làm cho cơ quan báo chí nào, họ không có thẻ nhà báo nhưng đã gắn bó với nghề báo trong nhiều thập kỷ qua, không ít người đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc… Trong số này, nhiều người chưa học tới đại học, thậm chí chỉ là nông dân nhưng hoàn toàn sống được trên nguồn thu nhập từ nhuận bút, với thu nhập 5-15 triệu đồng mỗi tháng.

Những cộng tác viên viết báo


Phần đông những cộng tác viên báo chí là những nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên, hoặc công tác tại một cơ quan nào đó. Họ là những người có công việc ổn định, nhờ có vốn tri thức thâm hậu về chuyên môn hoặc lĩnh vực mà họ làm việc, nên bài viết của họ luôn được nhiều tờ báo cần.

Điển hình phải kể đến GS Nguyễn Lân Dũng; Cố Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng ... Trong số đông đảo những cộng tác viên báo chí chỉ coi viết báo là nghề tay trái, thì có một bộ phận những cây bút không làm việc tại bất cứ cơ quan nào, nguồn sống của họ hoàn toàn dựa vào việc viết lách. Rất nhiều nguyên nhân khiến họ mưu sinh bằng công việc viết báo. Có người thất nghiệp, không thể xin được việc làm, nên cầm bút viết báo để kiếm tiền. Có người đam mê viết báo, nhưng lại không xin được việc làm tại các cơ quan báo chí, họ đành ở nhà để thực hiện ước mơ.

Đa phần những “nhà báo không thẻ” đều có trình độ văn hoá, kiến thức cuộc sống sâu rộng, kèm với khả năng thiên phú về viết lách. Thế nhưng, có những người mà trình độ văn hoá chưa qua phổ thông, thậm chí họ là nông dân chính cống, cũng kiếm được khoản tiền kha khá từ việc viết báo. Một trong những người khiến tôi vô cùng ấn tượng là ông Nguyễn Duy Cách ở xã Ngọc Than (huyện Quốc Oai – Hà Tây).

Thường xuyên được đọc những bài viết của ông liên quan tới Hồ Chủ tịch, rồi những bài lý luận mang tính tư tưởng... đăng trên rất nhiều tờ báo (trong đó có báo Nhân Dân), trước đây tôi cứ nghĩ ông là một cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu. Tìm đến nhà, mới biết ông chỉ là một nông dân chưa học hết lớp 4, cũng chưa một lần được làm cán bộ, dù là cán bộ cấp thôn. Nghề nghiệp chính của ông chỉ là trồng dăm sào lúa và trong chuồng nuôi không quá 2 con lợn nái thuộc loại “lợn cỏ”, vậy mà ông được dân cả xã Ngọc Than gọi là “nhà báo”, bởi vì ông đã có cả nghìn bài báo đã được đăng.

Với người mưu sinh bằng viết lách, nhuận bút được coi là mục tiêu sống còn. Ước lượng, cả nước hiện có hàng trăm “nhà báo tự do” đạt được mức thu nhập từ 5-15 triệu đồng/tháng trở lên, thậm chí có người đạt tổng nhuận bút lên tới 20 triệu đồng/tháng.

Mới nghe qua, tưởng lập nghiệp bằng việc viết báo dễ dàng, ngon ăn, nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu bạn không phải là phóng viên của một tờ báo nào, nhưng vẫn muốn sống “đường hoàng” bằng nghề viết báo, đòi hỏi bạn phải là một cây bút đa năng đa tài, và dám đầu tư.

Cần nhất là sự kiên nhẫn


Mưu sinh bằng nghề viết, trước hết phải tự trang bị máy ảnh, không cần phải hiện đại lắm. Có máy ảnh trong tay, mỗi bài viết sẽ đều có ảnh minh hoạ, thỉnh thoảng cho phép bạn săn được những cảnh “chướng tai gai mắt”, hay một hình ảnh ngộ nghĩnh nào đó. Nếu biết chụp ảnh nghệ thuật thì quá tốt. Với công nghệ làm báo ngày càng hiện đại, các toà soạn báo rất “ngán” mỗi khi nhận bài của cộng tác viên được gửi bằng thư viết trên giấy, vì vậy bạn phải gửi bài bằng cách gửi file đánh máy tính qua email.

Muốn vậy, bạn phải tự trang bị máy tính xách tay hoặc dàn máy vi tính có kết nối Internet. Phải viết trực tiếp trên máy vi tính, không được nháp thảo trên giấy. Nháp thảo trong đầu, bố cục trong đầu, nghĩ tới đâu thì gõ máy tính viết bài ra tới đó cho tới khi hoàn thành bài viết. Thu thập thông tin nhanh nhạy, nhưng viết bài cũng phải nhanh. Các cộng tác viên báo chí dày dạn kinh nghiệm tổng kết: để có được số tiền nhuận bút 5-10 triệu đồng/tháng, mỗi tháng bạn phải được đăng 15-25 bài viết. Muốn vậy mỗi tháng phải viết tối thiểu 30 bài (để phòng có những bài không được đăng), nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng.

Đa năng và đa tài là điều kiện cần và đủ trước khi cầm bút lên để thực hiện mơ ước sống bằng nghề cộng tác viên viết báo. Phải viết được phóng sự, không bắt buộc phải khổ sở vì loại phóng sự liên quan tới các lĩnh vực kinh tế, thương trường, doanh nghiệp (những lĩnh vực này vừa đòi hỏi nhiều thuật ngữ chuyên môn lại cần phải có thẻ nhà báo thì mới tiếp xúc được các doanh nghiệp), mà chỉ cần phải biết thâm nhập vào đời sống xã hội thường ngày. Bằng cái nhìn, nhận xét và cảm nghĩ của mình mà viết nên những phóng sự, bút ký về đời thường.


Phải viết được truyện ngắn, không cần phải tuyệt hay, xuất sắc gây chấn động dư luận, mà chỉ cần truyện đọc được. Cần phải biết làm thơ trữ tình, còn phải viết được nhiều thể loại: châm biếm, trào phúng, tiểu phẩm, thơ châm chích, truyện vui cười. Đồng thời cũng tranh thủ viết cho các mục: “ý kiến bạn đọc”; “bạn đọc viết”; “xã luận”; “ba lô du lịch”; “diễn đàn”; “Chân dung”… Tức là thể loại nào, trang mục nào, họ cũng có thể tham gia cộng tác tuỳ theo hứng thú, kiến thức, vốn liếng sẵn có của mình.

Cộng tác viên viết báo cần phải có đầy đủ địa chỉ của các cơ quan báo chí trong nước, khắp cả các vùng của 3 miền tổ quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có trên 600 tờ báo, tạp chí, đấy là chưa tính đến những tập san nội bộ của các sở, phòng, chi cục, quận, huyện…. Rồi tuỳ theo yêu cầu của từng tờ báo, tạp chí, tuỳ theo “gu”, theo trương mục mà viết bài gửi tới các báo.

Gửi cho các báo kinh tế, tài chính thì phải viết về đề tài kinh doanh, sản xuất, doanh nhân, thương trường… Viết bài cho các báo phụ nữ phải chọn đề tài về hồng nhan thục nữ, viết cho báo có độc giả là trẻ em thì chọn đề tài liên quan tới trẻ con… Thấy đâu có “đất dụng võ” thì cứ đi thực tế hay sáng tác mà viết bài gửi vào.

Kiếm sống bằng nghề viết lách, cần nhất là đức tính nhẫn nhục, kiên trì, không được nản lòng nản chí, phải luôn giữ “ngòi bút” sắc bén nhuần nhuyễn. Gửi bài đi, đừng ngồi chờ kết quả rồi mới viết bài mới, mà phải liên tục viết và gửi. Bài gửi không được đăng, cũng không được phép bỏ cuộc, cần viết bài khác cho hay hơn. Bài được đăng rồi, đừng vội nôn nóng đòi trả nhuận bút, mà phải tiếp tục “gối đầu”, gửi tiếp những bài khác cho báo đã vừa đăng bài của mình, chớ hỏi han chi. Đức tính nhẫn nại, chuyên cần rất quan trọng cho nghề viết báo.


Chu Khôi


Nhiều điểm mới về chế độ nhuận bút
Nhiều điểm mới về chế độ nhuận bút

Mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế- xã hội…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN