Đây là những chia sẻ của bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thống tấn xã Việt Nam trong chuyến khảo sát tình hình thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ, phụ nữ mang thai tại các vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn ở tỉnh Lai Châu của Đoàn công tác liên ngành Bộ Y tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UNFPA từ ngày 4-7/5.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, bà Naomi Kitahara và các thành viên trong đoàn đã tới thăm, khảo sát thực tế hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở huyện biên giới Sìn Hồ. Huyện miền núi cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km về phía Tây, nằm trên độ cao hơn 1500m này hiện đang là một trong những vùng trũng nhất của cả nước trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản, bà mẹ và trẻ em.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, thói quen đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ của người dân nơi đây còn phổ biến, tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà, nhất là đồng bào dân tộc Mông, Lự, Dao, Máng mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây ra những nguy cơ tai biến sản khoa trong cộng đồng cao.
Đặc biệt trong năm 2020, dưới tác động một phần của dịch COVID-19, tỷ lệ sinh con tại nhà của phụ nữ mang thai ở huyện Sìn Hồ có sự tăng vọt sau nhiều năm giảm nhẹ, ở mức 46,5% (trong khi tỷ lệ chung toàn tỉnh Lai Châu là 33%). Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ khám thai ít nhất 4 lần của phụ nữ mang thai còn ở mức rất thấp (5,8%) so với tỷ lệ chung trên toàn quốc (trên 73%).
Từ đây, Trưởng Đại diện UNFPA cho rằng có hai thách thức lớn trong hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ ở khu vực dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Thách thức đầu tiên đó là người dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại vùng sâu, vùng xa khiến việc tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục gặp nhiều khó khăn. Thách thức tiếp theo, do thuộc nhóm dân tộc thiểu số và điều kiện văn hóa xã hội đặc thù nên khu vực này gặp khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp và hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Do đó, theo bà Naomi Kitahara, cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn và biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục được phổ cập bằng tiếng dân tộc, đồng thời các bác sỹ, nhân viên y tế, hộ sinh cần biết tiếng địa phương để có thể giải thích cho bà con.
Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh Quỹ Dân số Liên hợp quốc, luôn nỗ lực tiến tới đảm bảo không còn tử vong mẹ, mọi nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình đều được đáp ứng và bạo lực giới và các thực hành có hại trên cơ sở giới có thể được ngăn ngừa. “Chúng tôi đã làm việc rất tích cực với Bộ Y tế, Bộ kế hoạch và đầu tư và các bộ, ban, ngành khác nhằm xác định chiến lược hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả nhất, đặc biệt tập trung vào nhóm dân cư dễ bị tổn thương, như dân tộc thiểu số, người di cư, thanh thiếu niên và người khuyết tật”, bà Naomi Kitahara nói.
Với nỗ lực hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số, một số chiến lược chính mà UNFPA đưa ra bao gồm: tăng cường, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của các cán bộ y tế để họ có đủ khả năng xử trí các tình huống khác nhau về tai biến sản khoa và các bệnh liên quan đến thai sản, từ đó đảm bảo an toàn, sức khỏe, hạnh phúc cho bà mẹ và trẻ em; khai thác hiệu quả nền tảng thông tin, truyền thông trực tuyến, hệ thống tư vấn từ xa thông qua các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến nhằm khắc phục những khó khăn do những điều kiện văn hóa xã hội đặc biệt, rào cản ngôn ngữ, vị trí địa lý do người dân tộc thiểu số hầu hết sống rất xa các cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, bà Naomi Kitahara đã khẳng định tầm quan trọng của các cô đỡ thôn bản, bởi đây là những những cánh tay nối dài của ngành Y tế, làm việc ở tuyến cộng đồng, thực hiện hoạt động chăm sóc cơ bản, hỗ trợ cho các bà mẹ mang thai. Trong trường hợp phụ nữ mang thai có những triệu chứng nguy hiểm, chính cô đỡ thôn bản là người sẽ giúp phát hiện và đưa ngay sản phụ đến cơ sở y tế. Với ý nghĩa như vậy, Trưởng Đại diện UNFPA tai Việt Nam cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ cô đỡ thôn bản, bao gồm đào tạo, cung cấp vật tư cần thiết, chế độ đãi ngộ cho công tác hộ sinh.
Với những khu vực có nhiều người dân tộc thiểu số như tại Lai Châu, yếu tố văn hóa xã hội tác động rất mạnh mẽ đến người dân; nhiều người cho là việc sinh con ở nhà hay đến cơ sở y tế cũng như nhau. Do đó, theo bà Naomi Kitahara, cần phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục thay đổi nhận thức hành vi của công đồng, để phụ nữ mang thai yên tâm về các dịch vụ sinh nở, làm mẹ an toàn tại các cơ sở y tế.
Ngoài ra, dịch COVID 19 đang gây ra những thách thức lớn, khi phụ nữ có xu hướng hoãn hoặc hủy bỏ lịch khám thai, tiềm ẩn những nguy cơ cao gặp phải trong quá trình mang thai. Bà Naomi Kitahara nhấn mạnh cần tạo ra một môi trường an toàn cho các phụ nữ mang thai để họ cảm thấy an tâm khi đến các cơ sở y tế, đảm bảo được thăm khám ít nhất 4 lần trong quá trình mang thai, hay khi cảm thấy có những dấu hiệu nguy hiểm, họ sẽ thoải mái đi khám tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, ưu tiên cung cấp trang phục bảo hộ cho cán bộ y tế, để họ được hoàn toàn bảo vệ, yên tâm khám chữa bệnh cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
“Bằng việc kết hợp những chiến lược trên, chúng tôi tin có thể góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ tại tỉnh”, bà Naomi Kitahara chia sẻ.