Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy Nguyễn Kim Thái cho biết, đây là dịp để người dân trên địa bàn thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các anh hùng, liệt sỹ, chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, hiến dâng đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Trong đó, có các liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh ngày 26/3/1968 tại Điểm cao 995 - Chư Tan Kra. Sự hy sinh của các anh đã tô thắm cờ đỏ truyền thống của dân tộc anh hùng, viết nên trang sử hào hùng của lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Ông Nguyễn Kim Thái cho biết thêm, tinh thần chiến đấu, hy sinh của các chiến sỹ Trung đoàn 209 tại Chư Tan Kra tháng 3/1968, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quật cường, quyết tâm sắt đá, quyết chiến, quyết thắng. Tinh thần ấy được dẫn dắt, soi đường bởi sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước, ngay từ sau ngày giải phóng đất nước, các thế hệ cán bộ, quân và dân huyện Sa Thầy luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, đồng tâm nhất trí, khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khó khăn; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Người dân trên địa bàn đã từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và vươn lên. Huyện còn chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công; chăm sóc đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Cách đây 55 năm, rạng sáng 26/3/1968, tại điểm cao 995 - Chư Tan Kra, thuộc thôn 3, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 209 thuộc Sư đoàn 312 với Sư đoàn Anh Cả Đỏ của Mỹ. Trong trận đánh này, bộ đội ta đã tiêu diệt 2 đại đội và một trận địa pháo của của địch, nhưng đã có 209 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, đa số đều là những người lính sinh ra tại Thủ đô Hà Nội.
Đến nay, đã có hơn 100 hài cốt liệt sỹ được tìm thấy và an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Sa Thầy. Tri ân sự hy sinh của các anh, tại khu vực diễn ra trận đánh, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và tỉnh Kon Tum đã đầu tư xây dựng công trình Nhà tưởng niệm khang trang. Năm 2013, Chư Tan Kra được tỉnh Kon Tum công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tỉnh Kon Tum còn chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209 cố gắng tìm kiếm, cất bốc hài cốt các liệt sỹ để đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, hàng năm huyện Sa Thầy đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh tại Điểm cao này; nâng tầm lễ tưởng niệm thành “Ngày hội tri ân” của cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Huyện luôn quan tâm, tu bổ, sửa sang để Chư Tan Kra ngày càng khang trang hơn, từng bước đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đạo lý và là điểm đến của du lịch tâm linh, lịch sử.
Với lòng thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Chư Tan Kra, lãnh đạo tỉnh Kon Tum và các đoàn đại biểu cùng cán bộ, nhân dân huyện Sa Thầy thành kính dâng hoa, dâng hương lên Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ huyện và Đài tưởng niệm Chư Tan Kra; đồng thời, tổ chức lễ cầu siêu và thắp nến tri ân những người lính đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.