“Chắc chắn các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cho phù hợp thị trường. Theo quy định, khi giá xăng dầu tăng thêm 5% thì doanh nghiệp được phép tăng giá, các lần tăng gần đây đã vượt quá ngưỡng này”, ông Thanh cho hay.
Vận tải khó giữ giá khi giá xăng, dầu tăng mạnh. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên hiệp hội cần cân nhắc kỹ lưỡng về mức tăng để tránh bị mất khách, mất thị phần, không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác giữ được giá qua việc cắt giảm các chi phí khác.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đồng ý với quan điểm cần có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng và sự giám sát của người tiêu dùng để hạn chế sự tăng giá tràn lan.
Về dịch vụ taxi, đây là loại hình được đánh giá có thể bị tác động mạnh nhất trong đợt tăng giá nhiên liệu lần này.
Cụ thể, theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, với mức tăng giá xăng dầu hiện nay, doanh nghiệp taxi khó có thể giữ được giá cũ. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu, lúc nào tăng các doanh nghiệp taxi cũng nên tính toán.
“Chúng tôi lo ngại nhất là khi tăng giá cước, giá xăng dầu lại hạ thấp thì lại phải điều chỉnh giá cước. Trong khi, việc điều chỉnh giá cước với taxi rất tốn kém vì xe phải nghỉ một buổi, đến cơ quan chức năng điều chỉnh đồng hồ, thay bảng thông báo giá dán trên xe… ”, ông Bình đề nghị.
Trước đó, ngày 20/12, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng khoáng RON 92 tăng 919 đồng/lít; xăng E5 tăng 800 đồng/lít, giá dầu diesel 0,05S tăng 761 đồng/lít và dầu hỏa tăng 734 đồng/lít.
Đây lần điều chỉnh giá xăng thứ 24 trong năm nay với 13 lần tăng giá (tổng cộng gần 6.000 đồng/lít với giá xăng); 9 lần giảm giá (tổng cộng khoảng 4.463 đồng/lít), 2 lần giữ nguyên với dầu. So với thời gian đầu năm, giá xăng đã tăng hơn 1.000 đồng/lít.