Văn hóa giao thông dưới góc nhìn của CSGT

Xây dựng văn hóa giao thông (VHGT) ở Hà Nội không phải chuyện bây giờ mới nói nhưng kết quả đạt được thì thực sự chưa đáng kể. Những lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đường đến mức lực lượng chức năng phạt không xuể. Vẫn biết, chuyện tạo thói quen ý thức chấp hành quy định ATGT là một quá trình không dễ, nhưng đã đến lúc không thể chần chừ được nữa, không thể chỉ làm cho có.


“Nhờn” Luật


Người điều khiển phương tiện giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), nghĩa là phải tuân thủ đèn tín hiệu, hiệu lệnh của cảnh sát giao thông (CSGT), đi đúng làn đường. Một trong những điều cơ bản để người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, xây dựng VHGT là các cơ quan quản lý phải làm tốt trách nhiệm của mình.


Tổ tuần tra kiểm tra hành chính đối tượng không đội mũ bảo hiểm tại chốt đường Láng-Nguyễn Chí Thanh đêm 16/9/2012. Ảnh: Viết Tôn


Thực tế, Hà Nội hiện có hàng chục điểm ùn tắc giao thông do chính người tham gia giao thông gây ra do vi phạm Luật GTĐB. Rất nhiều người điều khiển phương tiện tạt ngang trước đầu các phương tiện khác, cốt sao để đi trước, không để ý đến nguy hiểm cho mình và cho người khác. Đó không những là hành vi vi phạm Luật GTĐB, mà còn là thiếu văn hóa trong tham gia giao thông.


Bên cạnh đó nhiều người vẫn có thói quen dừng xe tùy tiện, đi xe trên vỉa hè, sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông, khạc nhổ ra đường khi đang điều khiển phương tiện...


Vấn đề đáng báo động là các đối tượng vi phạm Luật GTĐB ở Hà Nội đang ngày càng “trẻ hóa”. Tình trạng vi phạm Luật GTĐB ở thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên khá phổ biến. Ở các trường tiểu học, THCS, hình ảnh phụ huynh đưa, đón con đi học bằng xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm cho con em mình rất phổ biến. Trên đường, nhiều học sinh chở ba người bằng xe gắn máy, xe đạp điện lại không đội mũ bảo hiểm. Tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn cũng thường xuyên diễn ra ở các trường THPT. Tình trạng học sinh, sinh viên đi hàng ba, không đội mũ bảo hiểm, chở ba người… xảy ra không hiếm trên đường.


Không chỉ học sinh, sinh viên, tình trạng vi phạm Luật GTĐB còn có sự "góp mặt" của người lớn ở nhiều tầng lớp, độ tuổi. Sự "nhờn luật" này diễn ra dưới nhiều hình thức, từ không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đến "đùa giỡn" khi tham gia giao thông tại các cầu vượt... Đáng chú ý là một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức viên chức nhà nước chưa gương mẫu, thậm chí cố tình vi phạm Luật GTĐB. Qua đó cho thấy tình trạng vi phạm Luật GTĐB của người dân Hà Nội rất phổ biến.


Ngành công an vào cuộc


Ông Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội:

Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho người dân, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT là hai biện pháp không thể thiếu để nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người tham gia giao thông, trong đó việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật là hết sức quan trọng.

Ông Lưu Xuân Bình, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT Hà Nội:

 Nhà trường phải vào cuộc tích cực cùng với lực lượng chức năng để cùng phối hợp với phụ huynh học sinh quản lý, hướng dẫn các em chấp hành quy định khi tham gia giao thông. Phải đưa tuyên truyền, giáo dục chấp hành Luật GTĐB vào trường học. Tới đây, Sở GTVT sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên, ngành giáo dục, công an tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, đồng thời xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng phòng quản lý công tác
HS – SV, Sở GD&ĐT Hà Nội:

Năm học 2011 - 2012, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng với 42 trường học. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nêu gương việc thực hiện kết hợp với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ giúp học sinh và phụ huynh nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng VHGT và khắc phục tình trạng mất trật tự ATGT trên địa bàn thủ đô.

Năm 2012, Bộ Công an đã chọn lực lượng CSGT, Cảnh sát giao thông đường thủy là đơn vị điểm để xây dựng đơn vị kiểu mẫu về thực hiện cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”.


Trường hợp cán bộ, chiến sỹ trong quá trình tuần tra mà có tiêu cực, sai phạm, nếu bị phát hiện mà có đủ căn cứ vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị truy tố theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý liên đới trách nhiệm của cấp lãnh đạo trực tiếp. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cũng nêu rõ: Một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch công tác Năm ATGT 2012 đó là: “Nghiêm cấm cán bộ, chiến sỹ công an can thiệp vào việc xử lý vi phạm về trật tự ATGT của CSGT”.


Ông Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Trưởng phòng CSGT thành phố Hà Nội, khẳng định: CSGT ở Hà Nội có lẽ vất vả vào hạng nhất nước vì mật độ dân cư đông, vi phạm giao thông nhiều và thời tiết quá khắc nghiệt. Nhưng những hình ảnh không đẹp của CSGT không phải là không có. Một khi người thi hành công vụ thiếu VHGT thì làm sao đòi hỏi người chấp hành có VHGT? Vì vậy, văn hóa của người thi hành công vụ (gồm CSGT, thanh tra giao thông và các lực lượng chuyên ngành khác) phải đi trước một bước để tạo ra văn hóa chấp hành. Khi trường hợp người vi phạm chi tiền cho CSGT để được tha lỗi vi phạm thì trong lòng họ hình ảnh người thực thi công vụ cũng không còn đáng tin cậy nữa.


Ông Ngọc cũng cho rằng, CSGT ngoài giỏi về trình độ chuyên môn cần phải chú trọng văn hóa ứng xử, phải thân thiện nhưng nghiêm túc, lịch sự và đúng mực. CSGT không chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện sai phạm mà còn phải biết giáo dục ý thức chấp hành luật cho người dân. Tính giáo dục của CSGT thể hiện ở việc nêu gương, đây là giáo dục vô hình nhưng hiệu quả lại rất cao.


Cũng theo ông Ngọc, đấu tranh làm giảm TNGT không phải là trách nhiệm riêng của CSGT, mà đó còn là trách nhiệm chung của các ngành giao thông, giáo dục, xây dựng... và sự vào cuộc của cả xã hội. Tuy nhiên lực lượng CSGT phải là những người đi đầu, chỉ ra được những vị trí xung yếu, phân tích những bất cập trong giao thông để tập trung các giải pháp có hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí không cần thiết.


Theo Công an thành phố Hà Nội, tình trạng học sinh vi phạm Luật GTĐB diễn ra khá phổ biến ở các trường học. Để giáo dục VHGT cho học sinh, ngoài việc tuyên truyền, lực lượng công an sẽ tăng cường xử lý các hành vi như: Học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển mô tô, xe gắn máy có dung tích từ 50 phân khối trở lên, không đội mũ bảo hiểm, không cài quai đúng quy định...


Để nâng cao ý thức của người dân chấp hành pháp luật giao thông thì trước hết và trên hết, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu chấp hành. Và, trong những trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật giao thông thì cũng cần phải thông báo công khai về cơ quan, đơn vị và nơi cư trú. Trong trường hợp người vi phạm tái phạm nhiều lần cần có chế tài xử lý nghiêm để làm gương trong xã hội.


Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để người tham gia giao thông và người dân nói chung hiểu Luật GTĐB, các quy định hệ thống biển báo giao thông, có kiến thức để thực thi VHGT. Các cơ quan thực hiện pháp luật trong giao thông như CSGT, Thanh tra GTVT cần được trang bị đầy đủ các thiết bị để phát hiện, điều chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm Luật GTĐB trong mọi tình huống; xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại và chiếm dụng các công trình giao thông như vỉa hè, lòng đường để người tham gia giao thông chấp hành tốt Luật GTĐB. Cần có hệ thống theo dõi công khai để xử lý nguội người vi phạm luật khi tham gia giao thông, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB. VHGT chỉ có thể được xây dựng một cách bền vững khi mọi người tham gia giao thông, người xây dựng, quản lý và điều hành giao thông cùng toàn xã hội chung tay đóng góp một cách thiết thực.


Lê Sơn

Lập lại kỷ cương giao thông ở Hà Nội - Bài 5: Văn hóa giao thông Hà Nội, bao giờ?
Lập lại kỷ cương giao thông ở Hà Nội - Bài 5: Văn hóa giao thông Hà Nội, bao giờ?

Người ta tranh nhau vào rạp xem phim, tranh nhau ra cáp treo khu du lịch, tranh nhau vào bơm xăng trước, tranh nhau vào ATM rút tiền trước, tranh nhau vào thang máy, và tất nhiên là tranh nhau chen lên phía trước khi tham giao thông. Nói về văn hóa giao thông, nếu kể ra chắc phải ngàn lẻ một chuyện não lòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN