Văn hóa giao thông ở Hà Nội:

Tuyên chiến với 'giao thông bản năng'

Làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông cho Thủ đô đang là điều mà các cấp, ngành chức năng của thành phố trăn trở tìm hướng giải quyết.

Một điều tưởng rất đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn đối với người tham gia giao thông ở Hà Nội đó là tôn trọng và nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông. Thói quen mạnh ai nấy đi, bất chấp quy định, phóng nhanh,vượt ẩu, đèo ba, đèo bốn, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, rú ga, bóp còi inh ỏi... là những hình ảnh thiếu văn hóa, nhưng vẫn hàng ngày diễn ra.

* “Nhờn Luật”

Tại buổi làm việc của UBND thành phố Hà Nội với Đoàn giám sát của Ủy ban Pháp luật Quốc hội về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông mới đây, trước việc, số vụ chống người thi hành công vụ ở Hà Nội có dấu hiệu gia tăng, thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã đề xuất cần phải đưa hành vi chống người thi hành công vụ vào loại tội danh nặng hơn hoặc nâng mức phạt, thay vì 4 triệu đồng như hiện nay. Mức phạt thấp, không đủ tính răn đe đã khiến nhiều người dân vi phạm “nhờn” Luật.

Trên thực tế tại Thủ đô, người dân vẫn phải chứng kiến cảnh lái xe vi phạm đâm thẳng, kéo lê người thi hành công vụ; chở vượt quá quy định không đội mũ bảo hiểm vượt qua trước mắt cảnh sát giao thông; taxi phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn... Những hình ảnh đó như những “hạt sạn” làm xấu đi hình ảnh giao thông ở Thủ đô.



Làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông cho Thủ đô đang là điều mà các cấp, ngành chức năng của thành phố trăn trở tìm hướng giải quyết. Ảnh: Nguyễn Thị Minh - TTXVN



Phản ánh về tình trạng vi phạm, Bí thư Đoàn Cơ quan Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, thực trạng trên không chỉ là sự yếu kém về văn hóa giao thông mà thực sự là sự suy thoái đạo đức trong văn hóa ứng xử giữa người với người. Tai nạn giao thông xảy ra hàng năm làm nhiều gia đình mất đi trụ cột chính, nhiều đứa trẻ trở thành mồ côi, nhiều người phải mang thương tật suốt đời không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình mà còn gây hậu quả nặng nề cho xã hội. Chính vì vậy cần xây dựng tiêu chí văn hóa giao thông để tăng cường thực hiện nếp sống, lối sống làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. Hình thành thói quen nghiêm chỉnh chấp hành Luật và các văn bản dưới Luật Giao thông. Đồng thời từng bước hình thành và thực hiện nếp sống và văn hóa giao thông cho cộng đồng.

Nói về sự cần thiết phải xây dựng văn hóa giao thông, đại diện Đoàn Thanh niên Sở Công Thương Hà Nội lại cho rằng ý thức văn hóa giao thông của người Việt Nam bị ảnh hưởng từ nền văn hóa nông nghiệp làng xã xa xưa, đa số quen đi lại tự do, không cần luật giao thông. Ở Hà Nội, số lượng dân ngoại tỉnh lên sinh sống khá nhiều vẫn giữ thói quen đi lại ở quê nhà, chưa thích hợp thành thị, nên việc thay đổi suy nghĩ, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông cần có thời gian.

Đại diện Đoàn cơ quan Cục Thuế thành phố Hà Nội bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng coi thường Luật Giao thông hiện nay diễn ra khá phổ biến, nhiều người từ chỗ bất bình rồi chuyển sang chấp nhận nó như điều bình thường của đời sống.

* “Giao thông bản năng”.

Để chấm dứt thói quen đi lại tự do, không tuân thủ Luật lệ, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần phải “tuyên chiến với giao thông bản năng”.

Có người đề nghị cần đưa ra 4 giải pháp để xây dựng văn hóa giao thông trong đội ngũ cán bộ công chức, đoàn viên thanh niên Thủ đô, bao gồm: Giải pháp từ phía các cơ quan chức năng, không chỉ đưa ra các chính sách mang tầm vĩ mô mà cần cả ngắn hạn, phù hợp với thực tế ở nước ta hiện nay. Việc tăng nặng mức xử phạt là cần thiết trong hiện tại nhưng xét về lâu dài lại mang tính ép buộc chưa thay đổi được ý thức người tham gia giao thông. Cần tăng cường tuyên truyền không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà phải có những nội dung thiết thực, cụ thể, đặc biệt ở những điểm “nóng”, nơi hay xảy ra sự cố hoặc chốt giao thông chính. Cần hướng dẫn, nhắc nhở hoặc yêu cầu được viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, có văn hóa để tạo sự đồng thuận và biến mọi chủ trương thành hành động có hiệu quả.

Việc tuyên truyền cần tăng cường giáo dục về ý thức và văn hóa giao thông đến tất cả mọi người từ em nhỏ đến cụ già, đặc biệt lực lượng đi đầu gương mẫu phải là đoàn viên thanh niên, cán bộ công chức. Từng người cần thay đổi cách nhìn nhận và điều chỉnh hành vi tham gia giao thông. Cả xã hội, các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, trường học và từng gia đình đều có trách nhiệm xây dựng đời sống văn hóa chung, hình thành các thói quen và hành vi văn hóa giao thông nói riêng.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động “ Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “ Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, “ Nâng cao đạo đức người lái xe”, tăng cường giáo dục, tuyên truyền kết hợp với cưỡng chế để thực hiện các quy định đảm bảo an toàn trật tự giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ công tác giáo dục trong gia đình, nhà trường và tổ chức đoàn thể. Cần thay đổi phương pháp giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh niên về lĩnh vực này bằng trực quan, có tình tiết, hoàn cảnh cụ thể. Khi xử lý các vụ vi phạm cơ quan chức năng cần tổ chức công khai, ghi hình, chuyển thành băng đĩa trình chiếu trong trường học,buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội để răn đe, hạn chế hậu quả tương tự. Hoặc ghi hình và trình chiếu các vụ tai nạn, những ca mổ do tai nạn giao thông hay những mảnh đời bất hạnh do di chứng sau tai nạn để mọi người, nhất là thanh niên xem, cùng suy ngẫm... Nhà nước và lực lượng chức năng cần tăng cường xử lý vi phạm, có chế tài mạnh, hiệu quả. Những trường hợp vi phạm không chỉ nộp phạt là xong mà còn thông báo đến gia đình, khu dân cư, trường học, từ đó tác động đến hành vi của người tham gia giao thông, tạo sự chuyển biến từ suy nghĩ đến hành động.

* Góc nhìn quản lý

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho người dân, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông là hai biện pháp không thể thiếu để nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người tham gia giao thông, trong đó việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật là hết sức quan trọng.

Để xây dựng văn hóa giao thông cần xây dựng một phong cách bao dung, nhường nhịn, chia sẻ khi tham gia giao thông. Thực hành văn hóa giao thông là thể hiện phong cách lịch sự, văn minh, xóa bỏ thói quen xấu, tùy tiện, từng bước hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cần có 5 tiêu chí chung cho người tham gia giao thông, đó là thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật giao thông; không phóng nhanh vượt ẩu; cần tôn trọng và nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vứt rác và làm ồn đường phố.

Thực tế cho thấy tình trạng từ việc va quệt giữa những người tham gia giao thông dẫn tới những xô xát lớn, thậm chí xảy ra án mạng trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua là một dấu hiệu đáng báo động về “văn hóa giao thông”. Văn hóa giao thông biểu hiện rõ nhất đó là hành vi tôn trọng và nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường phố.

Để xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên, hiện nay, liên ngành Giao thông Vận tải- Sở Giáo dục Đào tạo và Công an thành phố đang tích cực phối hợp triển khai nhiều biện pháp để nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông Đường bộ cho học sinh, sinh viên.

Ông Lưu Xuân Bình, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội cho biết, nhà trường phải vào cuộc tích cực cùng với lực lượng chức năng để cùng phối hợp với phụ huynh học sinh quản lý, hướng dẫn các em chấp hành quy định khi tham gia giao thông. Phải đưa tuyên truyền, giáo dục chấp hành Luật Giao thông vào trường học. Tới đây, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Đoàn Thanh Niên, Ngành Giáo dục, Công An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, đồng thời xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng phòng quản lý công tác học sinh – sinh viên (Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, năm học 2011- 2012, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại địa bàn bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng với 42 trường học, tập trung vào 6 nội dung. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nêu gương việc thực hiện kết hợp với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ giúp học sinh và phu huynh nhận rõ trách nhiệm của mình, tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông, góp phần khắc phục tình trạng mất trật tự an toàn giao thông, xây dựng “ văn hóa giao thông” trên địa bàn Thủ đô.


Tuyết Mai

Hà Nội xử lý ùn tắc giao thông tại cổng trường
Hà Nội xử lý ùn tắc giao thông tại cổng trường

Tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường của Hà Nội đã tồn tại nhiều năm. Đây là bài toán nan giải, muốn giải quyết triệt để cần sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường và ngành chức năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN