Giao thông Hà Nội: Tùy tiện, hỗn loạn

Chật chội, ngạt thở, bức bối, khó chịu, căng thẳng... là những hình ảnh thường thấy ở những tuyến phố của Hà Nội khi giao thông tắc nghẽn. Và mỗi khi ùn tắc giao thông xảy ra, người ta thường đổ lỗi cho hạ tầng giao thông phát triển không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện.


Tuy nhiên, tắc đường ngoài nguyên nhân hạ tầng yếu kém, còn do sự thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện.

 

"Lực bất tòng tâm" trước sự "tuỳ tiện"


Tham gia giao thông tại thời điểm xảy ra tắc đường trên nhiều tuyến phố của Hà Nội mới hiểu vì sao khi lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đành phải “lực bất tòng tâm”. Người và phương tiện đã ken đặc, nhích từng bánh xe nhưng tình trạng giao thông sẽ càng khó khăn hơn khi có những người cố tình lấn đường, luồn lách bằng mọi cách, xe gắn máy thì lao lên vỉa hè, ô tô thì dàn hàng ba, hàng bốn, cản đường luồng xe khác...


Đứng giữa các nút giao cắt, lộn xộn giữa người và phương tiện vô lối như vậy, các chiến sỹ cảnh sát, thanh tra giao thông, dù nỗ lực hết sức, cũng "lạc lõng", không phân luồng được, mà cũng không bắt phạt được...


Tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến phố ở thủ đô một phần là do ý thức của người tham gia giao thông. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

 

Theo khảo sát của Phòng CSGT Hà Nội, tình trạng phổ biến hiện nay là người tham gia giao thông cố tình vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Với thói quen đi lại tùy tiện như trên, có 4 nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến phố Hà Nội.


Một là khi thấy xe phía trước đang giảm tốc độ để nhường đường và tránh xe đi chiều ngược lại, lập tức người điều khiển phía sau "tranh thủ" vượt lên, lấn làn, làm hẹp phần đường, vướng vào xe đi ngược chiều nên mắc kẹt, dẫn tới ùn tắc cục bộ.


Hai là, tại các nút giao thông không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, người điều khiển phương tiện thường không chấp hành theo tín hiệu đèn giao thông, không chịu nhường nhau, tất cả đều lao lên phía trước, gây ra các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông không đáng có.


Ba là, phần lớn các phương tiện lưu thông trên đường khi gặp chướng ngại vật thay vì phải chờ vài giây để đi tiếp thì lại đánh tay lái chuyển hướng sang phải hoặc sang trái không bật xi nhan và không cần quan tâm đến các xe đang lưu thông khác, nhiều phương tiện thậm chí còn lấn hẳn sang phần đường ngược chiều gây ùn tắc, nhất là ô tô.


Bốn là, tại các tuyến đường một chiều hay đường hai chiều dù đã có dải phân cách cứng, nhưng khá nhiều xe gắn máy, xe thô sơ cố tình đi vào đường ngược chiều.


Theo quy định, người điều khiển phương tiện phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông như, tuân theo đèn tín hiệu, hiệu lệnh của CSGT. Thế nhưng, Hà Nội hiện có hàng chục “điểm đen” về ùn tắc giao thông mà nguyên nhân chủ yếu do chính người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ.


Rất nhiều người điều khiển phương tiện thường bất ngờ tạt ngang trước đầu các phương tiện khác, để đi trước, không kể gì đến việc gây nguy hiểm cho mình và cho người khác; lại có nhiều người khi đi từ trong ngõ hoặc trong nhà ra đường mà không phát tín hiệu, không tuân theo quy tắc "đường phụ vào đường chính" khi nhập dòng, gây nguy hiểm cho các phương tiện đang lưu thông; rồi không ít người có thói quen dừng xe tùy tiện, đi xe trên vỉa hè, sử dụng điện thoại di động…


Những hình ảnh dễ bắt gặp đó của người tham gia giao thông cho thấy thực tế là tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ và thiếu văn hóa khi tham gia giao thông là khá phổ biến.


Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, phòng đã gửi hơn 55.000 thông báo tới các cơ quan, trường học, địa phương nhưng chỉ nhận được hồi âm rất ít, khoảng 3,8%. Do đó, đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các cấp khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan công an phải có trách nhiệm giáo dục cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội đã được nhắc đến rất nhiều nhưng không dễ gì khắc phục chính là do thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.


Tình trạng ùn tắc giao thông đô thị hiện nay có phần do cơ sở hạ tầng hạn chế, phương tiện giao thông công cộng chậm phát triển, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và dân số đô thị chưa được kiểm soát, nhưng một phần đáng kể là do ý thức thiếu tôn trọng và tuân thủ pháp luật của không ít cá nhân.


Tại nhiều quốc gia trên thế giới, các quy định pháp luật về giao thông bắt buộc ai cũng phải học, đi trái luật, sẽ bị xử phạt rất nặng. Còn nước ta, người dân tham gia giao thông nhưng ý thức chấp hành luật giao thông rất kém.


Thêm vào đó, khâu xử lý vi phạm giao thông hiện nay chưa nghiêm, mức phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều trường hợp người vi phạm chọn cách "thỏa thuận" với CSGT, một số trường hợp CSGT cũng vi phạm... nên văn hóa giao thông càng khó tuyên truyền.

 

Tuyên chiến bằng văn hóa giao thông


Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và tôn trọng pháp luật. Nghe qua như câu hô khẩu hiệu, nhưng ý kiến của các chuyên gia giao thông của Hà Nội đều đồng tình quan điểm này. Bởi nếu đi đúng làn đường, đúng đèn tín hiệu, việc lưu thông sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là trong điều kiện đường sá chật chội, phương tiện cá nhân quá nhiều như hiện nay.


Do đó, văn hóa giao thông phải được xây dựng từ trong mỗi gia đình, nhà trường đến các cơ quan công sở thông qua các biện pháp tuyên tuyền khác nhau. Các lực lượng chuyên ngành, trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bằng cách tăng nặng mức phạt để răn đe. Và đã đến lúc cả xã hội phải "tuyên chiến" với kiểu tham gia giao thông “tùy tiện”.


Phòng CSGT Hà Nội hiện đã thành lập các tổ tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề: Đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, tránh vượt sai quy định…

 

Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ thực sự có hiệu quả khi người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm luật và tự giác nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông. Thực tế, đa số các trường hợp vi phạm đều là lứa tuổi thanh thiếu niên, nên để xây dựng được hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, công tác tuyên truyền thời gian tới cần tập trung sâu rộng ngay từ các trường học.


Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các nhà trường hiện nay cần sớm đưa vào chương trình giảng dạy các môn học liên quan đến giao thông, để có thể trang bị cho các em ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.


Hướng ứng Năm An toàn giao thông 2012, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông như: Cấm uống rượu bia vào buổi trưa, thông báo về cơ quan cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng người vi phạm Luật Giao thông đường bộ… Rõ ràng, để Luật Giao thông đường bộ đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, từng cấp, từng ngành, từng tổ chức đoàn thể cùng có biện pháp, thái độ xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm.

 

Giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội phải kết hợp với nhau chặt chẽ hơn Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết: Những người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và những người được giao chức năng đảm bảo giao thông phải gương mẫu. Người lớn phải nêu gương cho giới trẻ, vì hiện nay, thanh thiếu niên là đối tượng vi phạm giao thông nhiều nhất. Không hẳn do các em không hiểu biết, mà đó có thể là một hình thức phản ứng xã hội. Ở trường, các em luôn được giáo dục ý thức kỷ luật, nhưng ra đến xã hội, không thấy mấy ai có ý thức, thành ra giáo dục nhà trường trở nên vô ích! Thời gian các em học tập ở trường từ 5 - 8 tiếng, còn lại chủ yếu sống với gia đình và xã hội. Vì vậy, giáo dục ở nhà trường, gia đình và xã hội phải kết hợp với nhau chặt chẽ hơn. Cơ quan chức năng phải làm tròn trách nhiệm

 

Chuyên gia an toàn giao thông Tổ chức JICA tại Việt Nam (Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản) Nguyễn Văn Dư: Một trong những điều kiện cơ bản để người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là các cơ quan quản lý phải làm tốt trách nhiệm của mình. Để làm tốt chức trách, ngành Giao thông phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đường sá an toàn, lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo… để người tham gia giao thông có điều kiện chấp hành luật và thể hiện văn hóa giao thông. Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để người tham gia giao thông và người dân nói chung hiểu Luật Giao thông đường bộ và các quy định hệ thống biển báo giao thông. Các cơ quan thực thi pháp luật cần được trang bị đầy đủ các thiết bị để phát hiện, điều chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm trong mọi tình huống; đồng thời cần có hệ thống theo dõi công khai để người tham gia giao thông hiểu rằng nếu họ vi phạm thì sẽ bị xử lý trong mọi trường hợp.

 

Người vi phạm phải thấy xấu hổ vì hành vi của mình Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Lưu: Chúng ta đang hàng ngày phải chứng kiến tình trạng một số người ngang nhiên vượt đèn đỏ, lấn chiếm làn đường, say rượu bia vẫn lái xe, gây gổ, thậm chí hành hung khi xảy ra va chạm nhỏ; tình trạng chen lấn xô đẩy khi lên xe buýt, thanh niên không nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật; một số người thực thi công vụ còn thiếu trách nhiệm…

Đây chẳng những là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là hành vi thiếu văn hóa, thiếu đạo đức. Muốn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi người khi tham gia giao thông cần phải đa dạng hóa phương thức tuyên truyền giáo dục, không chỉ tác động vào lý trí mà còn phải tác động vào tâm hồn, tình cảm của mỗi người.

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN