Tình trạng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông tại các cổng trường của Hà Nội đã tồn tại nhiều năm. Đây là bài toán nan giải, muốn giải quyết triệt để cần sự vào cuộc quyết liệt của nhà trường và ngành chức năng.
“Nóng” hàng ngày
Từ 16 giờ 30 - 17 giờ hàng ngày, tuyến phố từ ngã năm Lý Thường Kiệt - Thợ Nhuộm đến ngã tư Thợ Nhuộm - Quang Trung (Hà Nội) luôn rơi vào cảnh ùn tắc. Đây là khu vực gần cổng trường Tiểu học Bình Minh. Nhiều người đi qua khu vực này đều ngán ngẩm trước cảnh phương tiện và các phụ huynh tụ tập chờ đón con chật kín vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường. Thậm chí, khi học sinh ùa ra từ cổng trường, nhiều bậc phụ huynh còn dừng xe lấn ra giữa đường, bóp còi inh ỏi, rẽ làn người và xe để đón con cho “tiện”.
Phụ huynh tụ tập chờ đón con chật kín vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường. |
Tương tự, trước cổng trường Trung học cơ sở Trưng Vương trên phố Hàng Bài, mỗi khi tiếng trống tan trường vừa dứt, người và xe chen nhau chật kín đường, khiến đoạn phố từ ngã tư Hàng Bài - Lý Thường Kiệt đến ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng luôn kẹt cứng, như biến thành sân riêng của trường. Mặc dù đoạn phố này đạt tiêu chuẩn lắp giải phân cách cứng để phân luồng phương tiện từ xa nhưng các dòng phương tiện lưu thông đến đoạn này đều “giậm chân tại chỗ” hoặc đi loạn xạ như kiến vỡ tổ… Chưa hết, trên dọc các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng… còn có các trường Trung học phổ thông Việt Đức, Trần Phú, trường Tiểu học Nguyễn Du, nên cứ đến giờ tan trường, tình trạng ùn tắc trước cổng trường cục bộ kéo dài suốt các tuyến phố và chỉ trở lại thông thoáng khi có sự giúp sức của các lực lượng dân phòng, công an, cảnh sát giao thông phân luồng đường.
Theo ghi nhận của phóng viên, các trường học nằm trên các trục giao thông chính vào giờ tan học của Hà Nội như: Tiểu học Đồng Nhân (phố Lò Đúc), Tiểu học và Trung học cơ sở Cát Linh (phố Cát Linh), Tiểu học và Trung học cơ sở Tô Hoàng (phố Đại Cồ Việt), Tiểu học Lý Thường Kiệt (phố Nguyễn Khuyến), Tiểu học Thái Thịnh (phố Thái Thịnh), Tiểu học Nam Thành Công (phố Nguyên Hồng), Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (phố Hàm Long)... đều không tránh khỏi tình trạng trên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc cổng trường là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, đặc biệt là phụ huynh và học sinh còn rất hạn chế, vỉa hè và lòng đường khu vực trước cổng các trường học không được quản lý tốt, nên thường xuyên bị lấn chiếm thành nơi bán hàng, trông giữ xe trái phép...
Để khắc phục tình trạng này, từ nhiều năm nay các trường học tại Hà Nội đã chủ động các phương án điều chỉnh giờ tan học giữa các khối lớp, cách nhau từ 10 - 15 phút. Các trường học ở trên cùng tuyến phố cũng chủ động phối hợp kế hoạch căn chỉnh giờ tan học so le để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm. Riêng các trường học có sân rộng, nhà trường đều ưu tiên mở cổng để phụ huynh vào sân đợi đón học sinh, còn những trường chật hẹp, nằm sát đường giao thông, nhà trường bố trí giáo viên dẫn học sinh ra các địa điểm nhất định gần khu vực trường học để giảm áp lực tại khu vực cổng trường. Tuy nhiên, do không ít phụ huynh học sinh chỉ muốn đón con em mình sớm, nhanh hơn một chút ít nên cố tình dừng đỗ phương tiện một cách tùy tiện, dẫn đến tình trạng ùn tắc.
Dừng xe dưới lòng đường sẽ bị xử phạt
Không phải bây giờ câu chuyện cứ vào giờ tan trường là tắc đường mới xảy ra ở Hà Nội. Hiện tượng này đã kéo dài nhiều năm nay, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc giải quyết dứt điểm hoặc xử lý nghiêm. Trước thực tế này, ngành giao thông vận tải Hà Nội đã tổ chức cắm biển cấm dừng đỗ phương tiện trước một số cổng trường học thường xuyên xảy ra ùn tắc tại các quận nội thành. Thay vì chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt, năm học 2012 -2013, ngành giao thông vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ bố trí nhân lực, chốt trực làm nhiệm vụ xử phạt nghiêm đối với các phụ huynh học sinh dừng đỗ xe đón con dưới lòng đường.
Hiện nay, nhiều trường học đã cố gắng tạo thuận lợi cho phụ huynh đón con, em bằng cách dẫn học sinh xếp hàng đi theo dọc phố để bố mẹ nhận con chứ không để học sinh ra tự do tại cổng trường, như trường Tiểu học Bình Minh, trường Mầm non Tháng 8 ở số 3 phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm) hoặc các trường có thông báo tới phụ huynh khi đón con cần xếp xe lên vỉa hè để vào tận trường đón. Một số trường còn áp dụng hiệu quả phương thức tổ chức đưa đón học sinh tới trường và về nhà… Những cách làm này vừa làm giảm lưu lượng phương tiện giao thông lưu thông giờ cao điểm, vừa thuận tiện cho phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, mô hình này đến nay chưa được nhân rộng.
Thành công của phương án điều chỉnh đổi giờ học, giờ làm của thành phố Hà Nội thời gian qua là hệ thống giáo dục thủ đô đã tuân thủ tốt các chủ trương, chỉ đạo về giờ học giờ làm, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn thành phố, mà không làm xáo trộn đến sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc tại các cổng trường nếu không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu Năm an toàn giao thông 2012 của Hà Nội. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hà Nội hiện có hơn 2.400 trường học, gần 1,7 triệu học sinh và giáo viên. Do đó, số học sinh, sinh viên, cán bộ trong ngành giáo dục hàng ngày tham gia giao thông rất lớn, nếu không thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường bộ, tình trạng vi phạm luật và ùn tắc sẽ khó được giải quyết triệt để. Mặc dù Hà Nội đã nghiêm túc triển khai Quyết định số 315/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn thành phố, với gần 900 trường học các cấp và 600.000 học sinh, sinh viên các nhà trường nằm trong diện điều chỉnh, tuy nhiên tình trạng ùn tắc cổng trường cần được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt hơn.
Tại buổi "Tọa đàm về công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học đối với hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh" được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã yêu cầu ngành giáo dục đào tạo thành phố tiếp tục dành nhiều thời gian tập trung giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, văn hóa giao thông cho học sinh, tiến tới tạo lập thế hệ người Việt Nam có ý thức cao trong văn hóa giao thông; đồng thời, thành phố cần tăng giao đất, vỉa hè, lòng đường cho giao thông khu vực các cổng trường để tránh ùn tắc giao thông cục bộ đầu và cuối giờ học cho các trường.
Đồng hành cùng các trường học, ngay từ đầu năm học mới, Thành Đoàn Hà Nội cũng đã triển khai kế hoạch “Phủ xanh cổng trường”, huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia đảm bảo an toàn giao thông tại 100% các trường học trên địa bàn trong tuần lễ đầu tiên của năm học. Sau đó, tiếp tục duy trì hoạt động thanh niên tình nguyện phân luồng, hướng dẫn giao thông tại 30 cổng trường điểm, có tình hình giao thông phức tạp trong suốt năm học 2012 - 2013. Có thể nói, sự quyết tâm vào cuộc của các lực lượng liên quan sẽ góp phần “hạ nhiệt” tình trạng ùn tắc, mất trật tự ATGT tại các cổng trường hiện nay.
Trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội CSGT số 4 (Công an Hà Nội): Không xử phạt, tình trạng ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn Mặc dù tại hầu hết các công trường đều có cắm biển cấm dừng đỗ phương tiện, nhưng công tác xử lý mới tập trung vào việc nhắc nhở các phụ huynh học sinh chấp hành luật. Thời gian tới, trường hợp nào cố tình vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử lý nghiêm, nếu không tình trạng ùn tắc sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn trong năm học mới. Bên cạnh đó, phía nhà trường cũng cần phối hợp hơn nữa với cơ quan chức năng trong việc xử phạt học sinh, sinh viên vi phạm mới mong hạn chế được ùn tắc tại các cổng trường học.
Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa) Nguyễn Thanh Thủy: Ý thức chấp hành luật của phụ huynh và học sinh còn hạn chế Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc cổng trường là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của không ít phụ huynh và học sinh còn hạn chế, vỉa hè khu vực trước cổng trường không được quản lý tốt, nên bị lấn chiếm thành nơi bán hàng, trông giữ phương tiện. Thêm vào đó là số lượng học sinh trái tuyến ngày càng lớn, dẫn đến lưu lượng phương tiện đưa đón gia tăng. Từ buổi họp phụ huynh đầu năm, trường đã phổ biến cho phụ huynh học sinh thời gian tan học và điểm đón gần cổng trường; đồng thời, yêu cầu đón học sinh đúng giờ để đảm bảo giải tỏa kịp thời lưu lượng phương tiện, tránh ùn tắc.
Chị Trần Thúy Nga có con học tại Trường Tiểu học Thái Thịnh: Phụ huynh thường có tâm lý đợi càng sát cổng trường càng tốt Con tôi mới học lớp 1, nên không thể tự đi về nhà, chiều nào gia đình cũng cử người đi đón. Không chỉ riêng mình tôi, mà hầu như phụ huynh nào cũng có tâm lý đứng đợi càng gần sát cổng trường càng tốt, như vậy con mới dễ nhìn thấy bố mẹ và không sợ lạc. Biển cấm dừng đỗ xe ngoài cổng trường sẽ gây khó khăn cho các bậc phụ huynh, vì tuyến phố Thái Thịnh không có vỉa hè để đứng đợi, mà đứng xa quá, con không biết tìm bố mẹ ở đâu. Do đó, ngành giao thông vận tải thay vì dựng biển cấm, phối hợp với nhà trường bố trí một điểm đưa đón phù hợp với điều kiện và quy hoạch giao thông. Chuyện đưa đón là tất yếu, nên không thể cấm được, có điều cần phải bố trí sao cho hợp lý. |
Nguyễn Tiến