Theo thống kê Bộ Y tế, tỷ lệ tham gia BHYT của người dân trong 5 năm qua đã tăng từ 71,3% (năm 2014) đến nay lên ước 89,8%. Các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… đều được chăm sóc sức khoẻ thông qua quỹ BHYT. Bên cạnh đó, số lần khám, chữa bệnh (KCB) của người có thẻ BHYT tăng dần theo các năm. Cụ thể, nếu năm 2017 có khoảng gần 168,9 triệu lượt KCB bằng BHYT thì năm 2018 là 176 triệu lượt KCB.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, tỷ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng là do chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Điều này chứng minh, chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Đánh giá về kết quả đạt được trong việc thực hiện KCB bằng BHYT trong 5 năm qua, TS. Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay, để có được sự gia tăng tỷ lệ tham gia BHYT nhanh chóng như vậy là nhờ các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT mang tính đột phá, như quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng từ người thứ hai trở đi. Ngoài ra, chính sách mở rộng đối tượng KCB bằng BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ, quy định nâng mức hưởng, mở rộng phạm vi quyền lợi, thông tuyến khám chữa bệnh... cũng góp phần gia tăng tỷ lệ người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, vẫn nhiều ý kiến cho rằng còn một số tồn tại, bất cập trong quy định pháp luật về BHYT, và trong tổ chức thực hiện Luật. Theo TS. Lê Văn Khảm, tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán, sử dụng thuốc vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế. Trong đó, một số hình thức lạm dụng dịch vụ y tế đáng chú ý là áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật; thống kê tổng hợp các chi phí sai quy định, như thống kê trùng các dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, hóa chất đã có trong cơ cấu giá; cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế không đảm bảo tính pháp lý; chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh không cần thiết phải điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú; lợi dụng chính sách thông tuyến tổ chức các hình thức quảng cáo, khuyến mại để thu dung nhiều người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh, từ đó tăng nguồn thu cho bệnh viện; người bệnh đi KCB nhiều nơi trong một thời gian ngắn; mượn thẻ BHYT của người khác để đi KCB...
“Có trường hợp, các cơ sở y tế còn yêu cầu người bệnh phải tự chi trả chi phí thuốc, mặc dù danh sách thuốc này đã có trong danh mục BHYT nhưng đơn vị không cung cấp được do công tác đấu thầu, mua sắm”, TS Lê Văn Khảm cho biết thêm.
Trước những bất cập trên, Bộ Y tế đang có kiến nghị điều chỉnh Luật BHYT, trong đó điều chỉnh quyền lợi BHYT, đảm bảo sử dụng dịch vụ y tế hợp lý; nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ, tránh lãng phí và cân đối quỹ BHYT. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH; tổ chức hệ thống giám định BHYT và Hội đồng tư vấn quốc gia…