Vẫn chưa thống nhất mức tăng lương tối thiểu 2016

Sáng 25/8, phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã kết thúc nhưng chưa có sự thống nhất giữa đại diện người sử dụng lao động - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện người lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về mức lương tối thiểu năm 2016. Dự kiến, ngày 3/9, phiên họp lần ba của Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ được tổ chức.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho biết: Tại phiên họp lần thứ hai này, các bên đã phân tích nhiều khía cạnh. Đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra các khó khăn của doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh hiện nay; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra thực trạng đời sống của người lao động. Tuy nhiên, các phương án đều không thống nhất, khoảng cách giữa hai bên chênh nhau khoảng hơn 6%. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 16,8%, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất mức tăng khoảng 10%.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân chia sẻ: Theo quy chế, mỗi bên có quyền đề nghị dừng phiên họp một lần. Lần này, phía đại diện người lao động đã xin dừng phiên họp để tiếp tục thương lượng. Vì vậy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định ngày 3/9 sẽ tổ chức phiên họp lần thứ ba. Nếu phiên họp lần thứ ba tiếp tục không có sự thống nhất, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ lựa chọn và quyết định phương án cuối cùng để đề xuất, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Hy vọng, thời gian tới hai bên sẽ có sự thương lượng để đưa ra được giải pháp hài hòa giữa các bên.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đi khảo sát một số doanh nghiệp, có thể thấy đời sống người lao động ở nhiều nơi còn rất khó khăn. Đây là vấn đề cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, bản thân các doanh nghiệp cần có trách nhiệm tốt hơn đối với người lao động - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nêu rõ.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện cho phía người sử dụng lao động vẫn bảo vệ quan điểm tăng 10%. Quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là phải đặt lợi ích người lao động, lợi ích chủ doanh nghiệp dưới lợi ích quốc gia. Đất nước phải có đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh, phát triển bền vững mới bảo đảm được việc tăng lương tối thiểu vì vậy phải tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Với mức tăng năng suất lao động 3%, mức trượt giá đồng tiền từ 1 đến 3% như hiện nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất mức tăng 10% là phù hợp.

Ông Nguyễn Quang Phòng nhận định: Theo lộ trình, việc tính lương theo tổng thu nhập từ năm 2018. Đây là một gánh nặng đối với doanh nghiệp nhưng đã là Luật sẽ phải tổ chức thực hiện. Thực tế, mức tăng lương lên 10%, doanh nghiệp sẽ phải chi trả thực tế tới 17-18 %, bởi từ 1/1/12016, doanh nghiệp đã phải từng bước đóng bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập chứ không đơn thuần mức lương. Điều này có nghĩa doanh nghiệp phải đóng thêm từ 30-45% so với mức đóng của năm 2015. Nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình lên để trụ vững. Thời điểm từ nay đến 2018 là rất nhạy cảm vì Việt Nam sắp phải tham gia nhiều hiệp định, chính sách mới. Vì vậy cần có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu và nguồn chi. Người lao động muốn tăng lương là hết sức chính đáng nhưng năng lực chi trả của doanh nghiệp còn hạn chế vì vậy doanh nghiệp rất cần sự cảm thông từ phía người lao động.

Đại diện cho người lao động, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nêu thực trạng: Đời sống người lao động hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khoảng 92% công nhân lao động có tiền lương doanh nghiệp trả, ở mức 5 triệu đồng mới đủ sống; chỉ có khoảng 8% là có dư.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần đến các khu công nghiệp để kiểm tra đời sống công nhân hiện nay; đồng thời làm việc với Tổng Cục thuế để xem xét việc doanh nghệp hoạch toán tiền lương của người lao động như thế nào chứ không thể chỉ nói tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp – ông Mai Đức Chính nói.

Ông Mai Đức Chính nhấn mạnh: Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là năm 2015, tình hình kinh tế đã khá hơn, không thể nói mức điều chỉnh thấp hơn năm trước. Mức tăng lương tối thiểu năm 2016 ít nhất cũng phải bằng tỷ lệ % của năm ngoái (14,6%). Nếu chỉ tăng 10% thì khoảng cách quá lớn, người lao động không thể chấp nhận được…

Phúc Hằng (TTXVN)
VCCI: Nên tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9-10%
VCCI: Nên tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9-10%

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tốc độ tăng năng suất lao động hiện khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1- 3%, một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9- 10% là hài hoà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN