VCCI: Nên tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9-10%

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), với tốc độ tăng năng suất lao động hiện khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1- 3%, một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9- 10% là hài hoà. “Nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này, sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng”, đại diện VCCI nói.


Tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý để đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp.


Những tranh luận gay gắt xung quanh cuộc đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong thời gian qua. Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đề xuất mức tăng là 16% thì phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước lại cho rằng, mức tăng chỉ khoảng 6 - 7% mới là hợp lý.


Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu như các đề xuất của bên đại diện cho người lao động được dựa trên cơ sở mức sống tối thiểu, thể hiện những mong muốn về một cuộc sống tốt hơn cho người công nhân thì những kiến nghị của bên đại diện cho người sử dụng lao động lại đứng trên góc độ khả năng chi trả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.


Theo VCCI, trên thực tế, tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam trong thời gian qua là rất cao. Các số liệu cho thấy: Tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng vào năm 2005 lên mức 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng IV). Tổng mức tăng chung trong cả giai đoạn là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm. Trong khi đó, mức tăng năng suất lao động kể từ năm 2005 đến nay trung bình chỉ khoảng 3%/năm. Nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng trong giai đoạn 2005-2015 ở mức gần 10%/năm, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn. 


“Chắc chắn là các doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy. Các số liệu về việc làm tại Việt Nam gần đây cho thấy, các tác động tiêu cực của việc tăng lương cao và kéo dài ngày càng lớn”, ông Lộc nói.


Đại diện VCCI cho rằng, Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc. Chi phí tiền lương tăng khoảng 10% một năm trong thập kỷ qua đã khiến nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Đây là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế nước này gần đây đã giảm xuống mức còn 7% so với mức 10% trước kia, còn xuất khẩu trong tháng 7/2015 đã giảm 8,9% so với một năm trước đó. Hệ quả là nền kinh tế lớn nhất châu Á buộc phải thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu và tạo việc làm cho công nhân.“Đối với các doanh nghiệp mà chi phí lao động chiếm trên 30% tổng chi phí, việc tăng lương thêm 16% sẽ khiến cho giá thành tăng thêm khoảng 5%. Với họ, đây chẳng khác gì một cú sốc phá giá đồng nhân dân tệ lần thứ hai”, ông Lộc nói.

Ngày mai (25/8), Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên thứ hai để tiếp tục đàm phán, quyết định mức tăng lương tối thiểu cho năm 2016 nhằm kiến nghị lên Thủ tướng.


Liên quan tới vấn đề này, TS Đặng Đức Đạm, nguyên Phó Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, cho hay: Vấn đề chính nằm ở việc xác định nhu cầu sống tối thiểu để làm căn cứ điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Nhu cầu sống tối thiểu đã được ghi trong Luật Lao động và đã trở thành căn cứ chủ yếu để xây dựng hệ thống tiền lương doanh nghiệp.


Theo TS Đạm, hệ quả của việc xác định quá cao nhu cầu sống tối thiểu là rất nghiêm trọng. Nếu ép tiền lương tối thiểu tăng quá mức, doanh nghiệp buộc phải “phản ứng” bằng cách thu hẹp hệ số tiền lương thì tác dụng kích thích tăng năng suất lao động của tiền lương sẽ không còn. Bên cạnh đó, số người không tìm được việc làm tăng lên. Đáng chú ý là ở nông thôn lao động dư thừa nhiều, người lao động sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp (nhưng vẫn cao hơn nhiều tiền công lao động nông nghiệp) để có việc làm trong các doanh nghiệp chế biến nông sản mà cũng còn rất khó khăn.


TS Đạm cho rằng, VCCI cần kiến nghị Hội đồng tiền lương quốc gia công bố công khai (minh bạch) phương pháp xác định “nhu cầu sống tối thiểu” trên phương tiện thông tin đại chúng để mọi người có thể giám sát và góp ý, trước hết là trên trang tin điện tử của Văn Phòng Chính Phủ, của Bộ Lao động Xã hội Việt Nam, TLĐLĐ và của VCCI. Bên cạnh đó, VCCI kiến nghị Chính phủ giao cho một số tổ chức khoa học nghiên cứu giám định phương pháp xác định “nhu cầu sống tối thiểu” do Tổ kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thực hiện ví dụ như: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ Thuật Việt Nam... nghiên cứu giám định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Minh Phương
Doanh nghiệp “cò kè” tăng lương tối thiểu
Doanh nghiệp “cò kè” tăng lương tối thiểu

Việc tăng lương tối thiểu được cả phía Công đoàn và người sử dụng lao động (doanh nghiệp) khẳng định là cần thiết, do cuộc sống của phần lớn công nhân lao động còn khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không muốn tăng nhiều vì sợ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN