Ùn tắc giao thông vẫn căng thẳng

Vẫn chỉ là những giải pháp tình thế

Giải pháp đưa ra để giải quyết ùn tắc giao thông của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chỉ là thực hiện các phương án tổ chức, điều tiết giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông... Đây là những giải pháp tình thế, nên bài toàn giải quyết ùn tắc đô thị vẫn đang bế tắc.


TP Hồ Chí Minh đang đầu tư, lắp đặt camera tại 24 điểm nóng, kết nối về Trung tâm Quản lý đô thị để phục vụ công tác tổ chức giao thông; đồng thời lắp đặt bổ sung các giải phân cách, hệ thống đèn tín hiệu tại các giao lộ Nguyễn Văn Cừ-Trần Hưng Đạo, đường Hoàng Minh Giám, giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, các trục đường chính Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Văn Linh, Đồng Văn Cống…

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết ngoài lắp đặt thêm các dải phân cách, cải tạo các nút giao, thành phố còn kết hợp với bố trí lực lượng tham gia điều tiết giao thông trước và trong các giờ cao điểm tại các điểm ùn tắc. Giải pháp lâu dài sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng sức chở lớn, xây dựng thêm hầm chui, cầu vượt và di dời nhiều cảng biển, bến xe ra ngoài trung tâm thành phố…

Theo đề xuất của Sở GTVT, thành phố sẽ cấm ô tô theo giờ để giảm ùn tắc. Đơn cử, xe ô tô sẽ bị cấm theo khung giờ để giải quyết xung đột giữa các hướng phương tiện di chuyển tại các giao lộ Hoàng Minh Giám - Phổ Quang - Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận), tuyến đường thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, dòng xe kéo dài, tốc độ thoát xe qua nút chậm. Cấm xe ô tô (trừ xe buýt) đi thẳng theo từ 6 - 12 giờ từ đường Phổ Quang vào đường Hoàng Minh Giám, cấm ô tô từ đường Đào Duy Anh rẽ trái theo từ 6 -12 giờ vào các ngõ 134, 108, 54 trên đường Đào Duy Anh…

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có Công điện yêu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Theo đó, hai thành phố phải rà soát, kiểm tra các dự án xây dựng đang chiếm dụng lòng đường thi công để chấm dứt tình trạng này; công bố bản đồ về địa điểm, thời gian xảy ra hiện tượng ngập úng do triều cường; bổ sung thông tin dự báo về các khu vực, các tuyến đường nguy cơ xảy ra ngập úng, ùn tắc cục bộ; các phương án di chuyển tránh ùn tắc đến người dân trên phương tiện thông tin đại chúng… và hàng quý báo cáo kết quả về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Còn tại Hà Nội, trong 1 tháng qua, Sở GTVT thành phố đã tập trung tháo dỡ các “lô cốt”, rào chắn của các công trình chưa thi công hoặc thi công đến đâu, tháo dỡ đến đó trên các tuyến đường trục chính, vì vậy, nhiều điểm ùn tắc đã trở nên "dễ thở" hơn. Nhờ đó, các tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi… trước đây, phương tiện thường xuyên bị “chôn chân”, hiện đã bớt “ngột ngạt”.

Cùng với đó, Công an TP Hà Nội đã huy động tối đa các lực lượng cảnh sát cơ động, trật tự, công an phường kết hợp với bảo vệ dân phố, tự quản, thanh niên tình nguyện... xuống đường phân luồng giao thông, chống ùn tắc vào giờ cao điểm. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường “điểm nóng” ùn tắc đã giảm đáng kể như: Đường Vành đai 3, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, nút giao Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu…

Theo đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng phòng CSGT Hà Nội, việc phân luồng được điều tiết theo hiệu lệnh của chiến sỹ chỉ huy giao thông tại hiện trường, chứ không phải bằng tín hiệu đèn, đã góp phần đảm bảo được sự linh hoạt, thông thoáng.

Như vậy có thể thấy tình trạng ùn tắc giao thông chỉ được giải quyết tạm thời khi có sự có mặt của các lực lượng chức năng, hoàn toàn không phải là một giải pháp căn cơ. Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ Giao thông) nhận định: Ước tính, đến năm 2018, khi hai tuyến đường sắt đô thị tại hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoàn thành, thì tình hình giao thông mới được cải thiện. Khi đó, hai thành phố cần thực hiện ngay các giải pháp hạn chế gia tăng xe cá nhân và khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng. Người dân cần chia sẻ với ngành Giao thông về những khó khăn hiện tại của giao thông đô thị.
Bất cập hạ tầng và quản lý giao thông
Bất cập hạ tầng và quản lý giao thông

Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân, những bất cập trong năng lực quản lý điều hành giao thông, tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi quy hoạch đô thị phân tán… là những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc tại hai đô thị lớn nhất cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN