Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đó là quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Đối diện với nhiều loại hình thiên tai
Báo cáo do Văn phòng Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai và kết hợp số liệu đầu vào của Tổ chức Khí tượng Thế giới cho thấy: Biến đổi khí hậu đang làm tăng nhiệt độ và phá vỡ các mô hình mưa, do đó làm tăng tần suất, mức độ nghiêm trọng và thời gian hạn hán ở nhiều vùng. Khi thế giới đang dần trở nên ấm hơn 2 độ C, cần phải có hành động khẩn cấp để hiểu rõ hơn và quản lý hiệu quả hơn nguy cơ hạn hán nhằm giảm thiểu thiệt hại về cuộc sống và sinh kế của con người.
Tại Việt Nam, người dân phải đối diện với nhiều loại hình thiên tai, trong đó có những diễn biến khác so với tiền lệ trước đây như: nắng nóng kỷ lục, ngập lụt cục bộ hay xâm nhập mặn, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, ở nước ta, thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình). Đặc biệt, mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng; là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Nhiều sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, độc, xạ, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như: Rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long (nghiêm trọng nhất tại khu vực Cà Mau). Hạn hán ở khu vực Tây Nguyên. Mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ (mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
Động đất tại các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Nội, Kon Tum; gió mạnh, sóng lớn trên biển… Nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm 2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C. Riêng trong tháng 4/2024, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao hơn từ 3,1-3,6 độ C, 110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử…
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo báo cáo mới nhất của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong mùa khô năm 2024, khoảng 500 nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Hiện nhiều địa phương tại khu vực này đang rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Đến nay, đã có 3 địa phương phải công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp là Tiền Giang (tại huyện Tân Phú Đông), Kiên Giang (tại huyện U Minh Thượng), Cà Mau (tại huyện Trần Văn Thời, U Minh).
Mới đây, do ảnh hưởng của rãnh thấp nhiệt đới kết hợp với vùng xoáy thấp, từ đêm ngày 8 – 10/6/2024, một số địa phương khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 40-120mm; khu vực tỉnh Quảng Ninh - thành phố Hải Phòng lượng mưa từ 150-300mm; tỉnh Hà Giang từ 100-250mm (riêng tại xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên lượng mưa lên tới 428mm). Ảnh hưởng của mưa lớn, trên thượng nguồn sông Lô (Hà Giang), sông Gâm (Cao Bằng) đã xuất hiện lũ.
Mực nước cao nhất trên sông Lô tại Hà Giang, sông Gâm tại Bảo Lạc vượt báo động 3, làm 3 người chết và một số người mất tích. Mực nước các hồ thủy điện: Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Một số khu vực thuộc các thành phố: Hà Giang, Uông Bí, Hạ Long, Hải Phòng bị ngập sâu, giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng thủy văn, trong năm 2024 có khoảng 11 - 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9 - 11/2024). Trên phạm vi cả nước có tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay cho tới cuối năm 2024.
Phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xây dựng các chủ trương, chiến lược và chương trình kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, với các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu như: Giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng…
Những năm qua, xác định công tác phòng ngừa, kiểm soát rủi ro thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án về phòng, chống thiên tai; phòng thủ dân sự; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng… Bên cạnh đó, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Đức Cường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, nguồn nước trên các lưu vực sông, chủ động dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn về tình hình El Nino, nắng nóng, hạn hán, nguồn nước và cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan chỉ đạo và người dân.
Để thực hiện mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian tới, Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Thị Lan Hương, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất một số giải pháp như: Nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững… trong việc trồng rừng giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái. Phục hồi các nguồn tài nguyên rừng và hệ sinh thái, chú trọng phát triển ngành nông nghiệp và an ninh lương thực, đầu tư xây dựng hạ tầng phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu. Thiết lập các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm; xây dựng các công trình phòng chống thiên tai và di dời dân ở khu vực có rủi ro cao trước tác động của biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã và đang chứng minh việc đi đầu trong phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nhiều hành động cấp thiết như tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa dạng sinh học...; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật về biến đổi khí hậu. Đồng hành cùng Chính phủ, nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ hay cá nhân cũng đã góp phần không nhỏ cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu...
Tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai toàn diện hàng loạt biện pháp theo ba nhóm giải pháp. Thứ nhất là về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện như ban hành Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch Điện VIII, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo.
Thứ hai là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thành lập Ban Thư ký và công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thứ ba là về xây dựng thể chế, như việc xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo, cũng như đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng...
Thực tế cho thấy, trong những thập niên gần đây, việc ứng phó với biến đổi khí hậu đã đạt được một số kết quả, nhưng trong thời gian tới, cần chủ động thực hiện tích cực những hành động cụ thể thông qua việc chuyển đổi lối sống, mô hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn… nhằm giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu.