Ứng phó bão số 4

Để ứng phó kịp thời với bão số 4, tỉnh Bình Định đã ra công điện khẩn số 06 chỉ đạo các cấp ngành, địa phương tăng cường công tác liên lạc và kêu gọi tàu cá còn hoạt động ở khu vực nguy hiểm trên biển vào nơi neo đậu, vượt ra khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn.

Hàng trăm tàu, thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn tại Quảng Ngãi. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: Đến khoảng 17 giờ chiều 12/9, tổng số tàu thuyền của tỉnh là 6.304 chiếc/42.966 lao động, trong đó đã vào bờ neo đậu 2.338 tàu/13.293 lao động, còn lại hoạt động ven bờ trên biển. Hiện, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin liên lạc về áp thấp nhiệt đới đã mạnh thành bão số 4 và đang tìm nơi trú bão an toàn.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo các địa phương tích cực liên lạc và kiểm đếm tàu thuyền trú bão; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu; kiểm tra các công trình hồ đập, thông thoáng dòng chảy và kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng để sẵn sàng phương án di dời dân khi có lệnh và duy trì trực ban 24/24 giờ để ứng phó với tình huống xảy ra.

* Đến cuối giờ chiều 12/9, Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng trong tỉnh Thừa Thiên - Huế kêu gọi 1.800 phương tiện đánh bắt trên biển vào bờ tránh trú tại các khu âu thuyền tránh bão như Phú Hải, Thuận An, Phú Diên, Vinh Hiền, Lộc Trì…

Đáng chú ý, ngoài số tàu thuyền trong tỉnh, cảng Thuận An (huyện Phú Vang) còn tiếp nhận thêm 9 phương tiện đánh bắt hải sản ngoại tỉnh với 71 lao động vào bờ tránh thiên tai an toàn. Lực lượng Biên phòng Thừa Thiên - Huế phối hợp với chính quyền địa phương duy trì trực ban 24/24, kiên quyết không cho tàu thuyền tự ý ra khơi.

Bão số 4, theo dự báo dù không trực tiếp đổ bộ vào địa bàn Thừa Thiên - Huế nhưng các biện pháp ứng phó với bão và hoàn lưu sau bão đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai tích cực, không chủ quan.

Được biết, do lượng mưa trên toàn địa bàn Thừa Thiên - Huế không lớn, nên mực nước trên các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đều ở dưới mực nước dâng bình thường hàng chục mét. Các hồ đập đều vận hành, xả nước ở chế độ an toàn.

Trong khi đó, đến ngày 12/9, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn còn 743ha lúa hè thu chưa thu hoạch xong tại 9 huyện, thị xã, thành phố Huế. Trong đó, nhiều nhất là huyện vùng cao A Lưới (550ha), các địa phương khác chỉ còn khoảng từ 10 đến 50 ha lúa hè thu chưa kịp thu hoạch xong.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban 24/24; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phương án chống úng bảo vệ số diện tích lúa chưa thu hoạch kịp; yêu cầu các chủ đầu tư công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng kè biển, nạo vét cửa biển Tư Hiền, công trình cấp thoát nước thi công dang dở… có phương án bảo đảm an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công.

Các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thường xuyên cảnh báo cho dân biết những khu vực nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để phòng tránh nguy cơ tai nạn chết người có thể xảy ra...

Viết Ý, Quốc Việt (TTXVN)
Bão số 4 hướng đến Quảng Nam, Bình Định
Bão số 4 hướng đến Quảng Nam, Bình Định

Hồi 20 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Quảng Nam-Bình Định khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN