Trước cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn chừng hơn một tháng, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng (Báo Quân đội Nhân dân) lên đường đi chiến dịch. Bằng nhiều cách, một mình, cuối cùng ông cũng kịp có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày lịch sử 30/4/1975.Đi nhờ xe của các đơn vịĐầu năm 1975, khi về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân được khoảng một năm rưỡi, phóng viên Mạnh Hùng xin đi chiến dịch Hồ Chí Minh. Dù thời gian công tác tại báo chưa lâu, nhưng trước nhiệt huyết của chàng trai trẻ 23 tuổi, cơ quan cũng đồng ý. Nhưng ông sẽ phải đi một mình vì trước đó có những nhóm phóng viên đã đi rồi.
Nhà báo Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải) gặp lại những phóng viên trong tổ mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam (tháng 1/2015). |
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng liên hệ với Cục Vũ khí đạn của Tổng cục Kỹ thuật, khoảng 20/3 thì lên đường. Theo đoàn quân, ông vào Trường Sơn rồi đến Huế, Đà Nẵng. Tiếc rằng, khi tới Huế và Đà Nẵng thì hai thành phố đã giải phóng. Chỉ có điều, khác với phân công ban đầu của cơ quan, lẽ ra khi viết bài về Đà Nẵng giải phóng xong thì Nguyễn Mạnh Hùng đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng diễn biến của chiến dịch nhanh hơn mọi dự tính. Khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam thì Báo Quân đội Nhân dân đã điện và gửi giấy giới thiệu cử ông đi cùng Quân đoàn 2, tiếp tục tiến bước theo chiến dịch.
Vì tính chất mới của cuộc chiến đấu, cũng là nhiệm vụ cấp bách với người phóng viên, nhà báo Mạnh Hùng xin tách khỏi Cục Vũ khí đạn để đi cùng Quân đoàn 2, theo đúng đội hình thọc sâu, mà chỉ ít ngày nữa, cùng với những đơn vị chủ công khác, đơn vị này đã góp phần làm nên lịch sử của toàn dân tộc. Chính vì đi theo quân đoàn chủ lực nên nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng đã có cơ hội để tiếp cận với chiến trường và có những tư liệu quý cho các công tác nghiệp vụ.
Khi quân ta tiến công vào căn cứ Nước Trong, ở đồn điền cao su Ông Quế, phóng viên Mạnh Hùng đã gặp “tổ mũi nhọn” của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Vũ Tạo, Trần Mai Hưởng, Đinh Quang Thành. Tổ mũi nhọn có máy phát 15W để phát tin, bài về Hà Nội. Hôm gặp nhau đầu tiên ấy, ông đã leo lên cây cao su cao nhất ở khu vực đồn điền để mắc ăng-ten giúp tổ phóng viên gửi tin, bài ra Hà Nội.
Những giây phút lịch sửSáng 30/4, Trung đoàn 66 bộ binh tiến công vào thành phố Sài Gòn, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng ngồi trên chiếc xe ô tô mui trần của Trung đoàn. Nhưng khi đi đến cầu Thị Nghè, một cây cầu vốn rất nhỏ, mà giữa cầu, một xe thiết giáp của địch bị xe tăng của ta bắn cháy mà trong xe đầy đạn đang phát nổ từng đợt, thì tất cả phải dừng lại.
“Nếu như không quyết tâm để vào trong thành phố, vào Dinh Độc Lập thì chúng tôi đã buộc phải dừng lại ở cầu Thị Nghè. Nhưng xe to thế này, làm sao có thể đi qua được?”, nhà báo Mạnh Hùng kể.
Vừa đúng lúc ấy, xe của tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trên chiếc xe commăngca cũng đi tới. Không hẹn mà cứ ngầm như có một sự “hẹn hò” bởi tất cả đều muốn mình là những người đến Sài Gòn sớm nhất dù chưa xác định sẽ đến đâu.
“Lúc ấy, tôi đã nghĩ, muốn vào thành phố sớm chỉ có cách đi nhờ xe của các anh ấy nên quyết định rời xe của Trung đoàn 66. Ai cũng máu lửa, quyết đi, đạn nổ kệ nó. Tiếng nổ thứ nhất vừa dứt, lái xe Bình cho xe lao qua, tiếng nổ thứ hai phát ra thì đã ở phía sau mình rồi. Chiếc xe đã lách qua được cầu”, nhà báo Mạnh Hùng kể.
Từ đây, xe thẳng tiến về Dinh Độc Lập. Khi tới nơi, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt ông và nhóm nhà báo là cổng chính đã mở toang, một cánh cổng nằm sập dưới đất. Lái xe Bình cho xe chạy vọt qua cánh cổng vào trong Dinh Độc Lập. Lúc đó những chiếc xe tăng của quân ta đang chĩa nòng pháo vào Dinh Độc Lập. Mọi người lập tức nhảy xuống. “Lúc ấy tôi nghĩ, bây giờ sẽ đi vào trong Dinh Độc Lập hay gặp gỡ anh em xe tăng, hay gặp đám lính ngụy ở đây, hay quan chức ngụy... và tôi quyết định đi tìm người cắm cờ”, nhà báo Mạnh Hùng nhớ lại.
Ngay lúc ấy, những phóng viên có mặt ở đấy tranh thủ chụp ảnh. Máy ảnh của Nguyễn Mạnh Hùng chỉ còn hai kiểu thì đã chụp một kiểu vừa chụp ảnh xe tăng còn đang chĩa nòng pháo vào Dinh Độc Lập; còn lại một kiểu ông đưa máy nhờ phóng viên Đinh Quang Thành bấm giúp mình đứng ngay trước cửa Dinh làm kỷ niệm (bức ảnh này về sau không tìm thấy). “Ngay sau đó, phóng viên Đinh Quang Thành cho tôi vay một cuốn phim mà cho đến thời điểm này tôi vẫn chưa trả”, nhà báo Mạnh Hùng cười nhớ lại.
Khi các xe tăng đang ở trong sân Dinh thì có một tình huống là địch từ phía bên ngoài bắn thẳng vào những xe tăng của ta và cả vào tòa nhà Dinh Độc Lập. Bộ đội, xe tăng của ta được lệnh quay ra. Tất cả xe tăng quay nòng pháo và tiến ra, bắn những phát đại bác lên trời để thị uy. Sau đó, có một xe tăng được lệnh đứng trấn ngay cổng chính của Dinh Độc Lập, nòng pháo hướng ra ngoài.
Thời điểm đó, nhà báo Mạnh Hùng cũng đã xác định được ai là người cắm cờ Dinh Độc Lập, ông đã phỏng vấn Bùi Quang Thận trên chính nóc tháp pháo chiếc xe tăng ấy. Chỉ có điều, tất cả những tin, bài ông thực hiện được, cũng như tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, khi thực hiện ngay tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 đều không thể phát về Hà Nội ngay ngày hôm đó. “Mặc dù tôi đã trèo lên cây cao nhất ngay cổng Dinh Độc Lập để treo ăng-ten, nhưng mọi nỗ lực đều thất bại, không có một chút sóng nào. Nước mắt tôi đã muốn trào ra”, nhà báo Mạnh Hùng nói.
Nhưng, ngoại trừ sự việc này, còn với nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, đến bây giờ, ông vẫn khẳng định việc có mặt trong hành trình đặc biệt ấy, được chứng kiến những phút giây lịch sử ấy là một sự may mắn. Cuộc kháng chiến lâu dài, đã có bao nhiêu đau thương mất mát, máu đã đổ nhuộm thắm đất này, cho một ngày lịch sử, những giây phút lịch sử này.
Bài và ảnh: Xuân Phong