Trường cao đẳng, trung cấp lo tuyển đầu vào và cam kết đầu ra

Năm 2017 là năm đầu tiên các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ban hành theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ghi nhận từ các trường cao đẳng, trung cấp đều nhận định đây là năm khó khăn nhất trong tuyển sinh từ trước đến nay.

Học sinh thực tập kỹ thuật tại trường cao đẳng, trung cấp.

Lo tuyển sinh đầu vào


Ngay sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp Phổ thông trung học Quốc gia, một số trường cao đẳng, trung cấp đã bắt đầu rục rịch tuyển sinh. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ nhập học rất ít, khiến nhiều trường như ngồi trên “đống lửa”.


Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng điện tử - điện lạnh Hà Nội Phạm Tiến Dũng cho biết: "Năm nay trường tuyển 1.050 chỉ tiêu. Đợt 1 mới được 200 học sinh, đợt hai tuyển vào ngày 14/8 và đợt ba vào 18/9. Nhà trường hy vọng sẽ tuyển được khoảng 90% chỉ tiêu".


Để thu hút học sinh, trường Cao đẳng điện tử - điện lạnh Hà Nội thực hiện đa dạng các phương thức từ xét tuyển trực tiếp tại trường, đăng ký trực tuyến trên website và truyền thông trên mạng xã hội. “Theo thống kê của trường từ các năm học trước, khoảng 40% học sinh nhâp học đến từ các huyện ngoại thành Hà Nội, 60% đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Điểm đáng chú ý từ tuyển sinh đợt 1 cho thấy, đa phần những học sinh nhập học đã xác định học nghề ngay từ đầu. Số học sinh đủ điểm vào đại học nhưng chọn học nghề chỉ chiếm khoảng 2%", đại diện trường cho biết.


“Năm nay tuyển sinh các trường cao đẳng, trung cấp gặp khó do không đến được học sinh trung học phổ thông. Những năm trước, khi còn trong hệ thống Bộ Giáo dục Đào tạo, trong cuốn tuyển sinh của Bộ có tên các trường cao đẳng, nếu học sinh có nhu cầu học, các trường PTTH sẽ thu hộ hồ sơ gửi lên Sở GD ĐT và gửi tới trường. Nay sang Bộ LĐTBXH nên các trường phải tự thân vận động thu hút học sinh với những thủ tục xét tuyển đơn giản, nhanh gọn nhất. Do đó, trường cũng mong từ năm sau Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ có hệ thống nộp hồ sơ tương tự để học sinh được định hướng và nộp hơ sơ từ trường phổ thông trung học”, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ.


Còn ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: Đây là năm khó khăn với nhà trường trong tuyển sinh do thông tin đến với học sinh hạn chế. Do đó, đơn vị đang sử dụng mọi kênh thông tin để thu hút học sinh. Chỉ tiêu năm nay nhà trường tuyển 1.870 học sinh và bắt đầu tuyển từ 15/8. Kinh nghiệm từ các năm trước cho thấy, số hồ sơ ảo đăng ký chiếm hơn 50%. Thường phải đến đợt tuyển sinh thứ 3 vào đầu tháng 9, nhà trường mới tuyển đủ chỉ tiêu.


“Tâm lý học sinh, sinh viên học trường cao đẳng đều muốn biết có được liên thông học lên đại học, nhất là sau khi các trường cao đẳng chuyển sang Bộ LĐTXH quản lý. Tuy nhiên, thông tin này lại rất ít đến học sinh PTTH. Theo thống kê, khoảng 30% sinh viên học xong hệ cao đẳng có nguyện vọng học liên thông lên đại học”, ông Trịnh Cao Khải nhận xét.


Còn tại Trường Trung cấp nghề Nấu ăn và Nghiệp vụ khách sạn Hà Nội, số hồ sơ đăng ký vào mới đạt hơn 40% so với cùng kỳ những năm trước. “Thời điểm này những năm trước, nhà trường đã tuyển được 4-6 lớp hệ trung cấp, năm nay nhà trường mới tuyển được 2 lớp. Công tác tuyển sinh vào các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp năm 2017 gặp rất nhiều khó khăn”, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hùng nhận định.


Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), thường sau khi các trường đại học tuyển sinh xong thì các trường cao đẳng, trung cấp mới tuyển sinh. Các trường tuyển sinh trước ngày 15/8 thường là các trường điểm trong đào tạo nghề. 



Cam kết có việc làm khi ra trường


Một lợi thế của các trường cao đẳng, trung cấp là học sinh học xong có việc làm ngay. Thị trường lao động cần tuyển những lao động có kỹ năng nghề nhưng nhiều người lại không thích vào trường nghề. “Đó là nghịch lý lớn hiện nay. Thậm chí có những khoa như điện - điện tử, nhiệt lạnh… đến năm thứ 2 vào mùa hè, doanh nghiệp đến nhà trường đặt hàng nhưng cũng khó tìm được học sinh đi lắp đặt. Dù có việc làm ngay trong lúc học nhưng công tác tuyển sinh học nghề vẫn chật vật”, ông Phạm Tiến Dũng cho biết.


Còn ông Trịnh Cao Khải cho biết, đến học kỳ thứ 2, nhiều học sinh, sinh viên đã đi làm bán thời gian. Đến khi ra trường, doanh nghiệp đến đặt hàng cũng không có học sinh để giới thiệu. Do đó, với những ngành nghề thị trường lao động cần, nhà trường luôn chỉnh sửa chương trình học với những kỹ năng phù hợp với thực tế doanh nghiệp.


“Tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn lớn với nhiều người. Do đó, chúng tôi định hướng tuyên truyền “Chọn bằng hay chọn việc làm”. Khi mới tuyển sinh vào trường, thường có khoảng 200 học sinh có nguyện vọng tiếp tục học liên thông. Tuy nhiên, sau 2 năm học và đã đi thực tập, làm bán thời gian thì hấu hết những học sinh này lại không có nguyện vọng học tiếp mà muốn đi làm. Một số học sinh xác định sau khi đi làm ổn định, nếu có điều kiện mới tiếp tục học liên thông. Đây là một sự thay đổi tư tưởng rất lớn về xác định việc làm với nhiều học sinh sau khi học tại trường”, ông Phạm Tiến Dũng đánh giá.


Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Linh, phụ trách nhân sự Công ty Hạ tầng viễn thông miền Bắc cho biết: Những học sinh, sinh viên trường cao đẳng nghề rất phù hợp với công việc đang cần. Thực tế, những học sinh, sinh viên trường cao đẳng, trung cấp vừa đáp ứng kỹ thuật, vừa không ngại khó khi làm những việc chân tay. Trong điều kiện phải làm người trời thì học sinh, sinh viên trường cao đẳng, trung cấp rất phù hợp. Trong khi nhiều người tốt nghiệp đại học chỉ muốn làm việc trong văn phòng, rất ít người lựa chọn làm việc có liên quan đến lao động tay chân hoặc ngoài trời.


Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, những nghề ra có việc làm ngay và có “uy tín” thuộc khối kỹ thuật, dịch vụ vẫn tuyển được người học. Tuy nhiên với một số ngành nghề hiếm, lao động nặng nhọc, nông lâm sẽ khó tuyển sinh trong năm học này, nhất là khi khối trường Đại học lại đang rộng mở với điểm sàn thấp như hiện nay.


Xuân Cường/Báo Tin Tức
Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp kỷ lục: Có nên tính đến việc dừng tuyển sinh một năm?
Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp kỷ lục: Có nên tính đến việc dừng tuyển sinh một năm?

Mùa tuyển sinh 2017 đang chứng kiến một thực trạng gần như chưa từng có: Điểm chuẩn chuyên ngành sư phạm ở một số trường đại học, cao đẳng chỉ ở mức 9, 10, 12, 15 điểm. Nhiều chuyên gia, giáo viên khẳng định “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm” một lần nữa đúng trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN