Theo đó, tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng chỉ số UV cực đại trong ngày ở mức 5, mức có nguy cơ ảnh hưởng trung bình. Riêng ở thành phố Hạ Long chỉ số UV cực đại có thể đạt mức 6, mức có nguy cơ ảnh hưởng cao. Khu vực Trung Bộ có chỉ số UV cực đại ở mức 9-10, khu vực Nam Bộ có chỉ số UV ổn định ở mức 8-9, mức có nguy cơ gây hại rất cao đến cơ thể người.
Cụ thể, ngày 15/4 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), thành phố Hải Phòng và thành phố Hà Nội chỉ số tia UV đại ở mức 5.4 đến 6.2, có nguy cơ gây hại từ trung bình đến cao.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Cà Mau (Cà Mau), chỉ số UV cực đại đều ở mức trên 9.2 đến 10.1 vào lúc 12 giờ. Bức xạ tia cực tím có nguy cơ gây hại rất cao phổ biến từ 10-13 giờ, riêng tại thành phố Cà Mau, chỉ số UV cao nhất là 10.1 trong khung giờ 12 giờ. Người dân nên áp dụng các cách phòng tránh như mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, đeo kính râm để bảo vệ mắt, sử dụng kem chống nắng đều đặn, đặc biệt chú ý cẩn thận hơn trong khung giờ bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.
Dự báo, từ ngày 16-18/4, ở khu vực Bắc Bộ xu hướng cường độ bức xạ được dự báo sẽ giảm dần xuống mức 3-4, mức nguy hại trung bình. Khu vực Trung Bộ đều duy trì chỉ số UV cực đại ở mức 9-10; khu vực Nam Bộ có chỉ số UV ổn định 8-9, mức có nguy cơ gây hại rất cao đến cơ thể người.
Theo thang bảng đo chỉ số tia cực tím, mức UV từ 3-5 là trung bình, mức từ 6-7 là cao, mức từ 8-10 là rất cao, trên 10 là đặc biệt cao, có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, nếu da tiếp xúc trực tiếp trong thời gian 25 phút có thể bị bỏng và từ mức 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, có thể làm tổn thương da, gây bỏng mắt nếu cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.