Trên 60% gia súc, gia cầm giết mổ không hợp vệ sinh

Cứ 10 con gia súc, gia cầm được giết mổ, bày bán thì có tới 6 con không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đa số các tỉnh, thành phố chưa có điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chủ yếu giết mổ thủ công, chưa đáp ứng được công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vận chuyển sau giết mổ cũng không đảm bảo vệ sinh...

Vận chuyển thịt lợn không được che đậy trên đường Giải Phóng (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Đó là thông tin được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều qua (17/5).

73% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát

Theo báo cáo của Cục Thú y, cả nước có trên 29.000 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, số điểm, cơ sở giết mổ được kiểm soát chỉ có gần 8.000 cơ sở (chiếm 27%), 73% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát.

So với năm 2009, số mẫu thịt gia súc, gia cầm được kiểm tra của năm 2010 có tỷ lệ không đạt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cao hơn, tập trung chủ yếu ở khu vực chợ. Điều đó cho thấy, ngoài việc cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y thì việc vận chuyển sản phẩm sau giết mổ bằng các phương tiện không được đóng kín (xe gắn máy, xe ba gác...) là không đảm bảo vệ sinh, lại gây mất mỹ quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn tồn tại rất lớn, trên 20.000 cơ sở giết mổ không có giấy phép, một số địa phương có tới 70% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không có giấy phép. Qua kiểm tra cho thấy 61% thịt gia súc, gia cầm không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặc dù tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động như vậy nhưng: “Những địa phương có nhà máy giết mổ tập trung lại đang hoạt động cầm chừng, chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra, các nhà máy này mới hoạt động nhộn nhịp”, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.
Theo ông Tưởng, người tiêu dùng chưa có thói quen tiêu thụ các sản phẩm gia súc, gia cầm được giết mổ từ các lò tập trung, vì giá sản phẩm ở các cơ sở giết mổ tập trung cao hơn do phải đầu tư nhiều hơn.

Tương tự như Hà Nội, một số địa phương khác như: Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Bình... đều cho biết, còn nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đánh giá của Cục Thú y, việc thực hiện quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo VSATTP ở các tỉnh phía Nam tốt hơn nhiều so với các tỉnh phía Bắc. Qua thống kê cho thấy, các tỉnh phía Nam có 3.701 trên tổng số 5.476 cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát giết mổ (chiếm 67,59%). Còn tại miền Bắc mới chỉ có 4.230 trên tổng số 23.805 cơ sở, điểm giết mổ được kiểm soát giết mổ (chiếm 17,77%).

Các tỉnh phía Nam có 760 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung, chiếm 2,6% toàn bộ hệ thống giết mổ nhưng lượng gia súc gia cầm được giết mổ tại các cơ sở này chiếm tới 50% cả nước. Tỷ lệ điểm, cơ sở giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát khá cao, chiếm 67,59%.

"Mạnh tay" với giết mổ nhỏ lẻ


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, tất cả các tỉnh phải chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho nhân dân.

Ông Phát cho rằng, trong thời gian qua TP.HCM đã làm tốt công tác giết mổ, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong người dân, nhưng “bức tranh” chung là còn nhiều tồn tại, số cơ sở giết mổ tập trung chỉ chiếm 3,4% tổng số, đáp ứng 20% sản lượng thịt của thị trường.

“Nếu chỗ nào cũng “cắt tiết, làm lông” sẽ gây khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh. Chúng ta phải nhanh chóng triển khai nghiêm túc các văn bản của thú y và Chỉ thị số 30/2005/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm”, ông Phát nói.
Theo ông Phát, với nhận thức đúng và quyết tâm cao, kèm theo tổ chức giám sát chặt chẽ và xử lý kiên quyết vi phạm sẽ tạo ra sự chuyển biến cho người dân.

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã quy hoạch 13 nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Số lượng nhà máy này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của người dân toàn thành phố. Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ đáp ứng 50% nhu cầu người dân, đến năm 2013 sẽ chấm dứt hiện tượng giết mổ ở các cơ sở nhỏ lẻ, thủ công.

Đại điện các địa phương như: Đà Nẵng, Bình Dương... cũng cho biết, đang tiến hành quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhằm tiến tới việc xóa bỏ hiện tượng giết mổ gia súc, gia cầm tự do. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân có thói quen sử dụng gia cầm được giết mổ hợp vệ sinh từ các cơ sở giết mổ tập trung.

Hữu Vinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN