Trên 1,1 triệu người dân Đồng Tháp tham gia bảo hiểm y tế

Tính đến tháng 8/2017, tỉnh Đồng Tháp có hơn 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế.

Trong những năm gần đây, chính sách bảo hiểm xã hội được cải cách theo hướng mở rộng và từng bước được hoàn thiện. Là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều hình thức đa dạng trong công tác tuyên truyền, phối hợp giữa ngành bảo hiểm xã hội và các bộ, ngành, đoàn thể, Đồng Tháp đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tính đến tháng 8/2017, tỉnh Đồng Tháp có hơn 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội là gần 89 nghìn người (tăng hơn 600 người so với đầu năm); có hơn 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng hơn 10 nghìn người, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 71,53% dân số toàn tỉnh (tăng 14,46% so với năm 2014). Toàn tỉnh đã cấp mới gần 17 nghìn sổ bảo hiểm xã hội, xác nhận hơn 10 nghìn sổ, rà soát chuyển giao cho người lao động theo quy định được hơn 19 nghìn sổ bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ 22,94%.

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, trên thực tế, không chỉ riêng tại Đồng Tháp, diện bao phủ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới. Nhiều người lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội và chưa được bảo vệ khỏi những rủi ro trong quá trình làm việc, nhiều người già không có lương hưu nên phải tự lo liệu cuộc sống hoặc phải sống phụ thuộc… Riêng về mức độ tham gia bảo hiểm y tế, Đồng Tháp hiện thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ giao 4,27%, tập trung nhiều ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, với một địa phương thuần nông, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, lao động tự do, kinh tế còn khó khăn và thu nhập bình quân đầu người còn khá thấp như Đồng Tháp trong khi giá viện phí tăng thì chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là khi hết tuổi lao động. Thế nhưng để bà con hiểu được chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước lại là việc làm không dễ dàng. Do thu nhập còn thấp, không ổn định, phụ thuộc nhiều vào mùa vụ nên việc tích lũy, bỏ ra một phần kinh tế gia đình để tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là cả một vấn đề…
   
Ông Lê Quốc Minh - Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Cao Lãnh cho biết, cần nâng cao hiểu biết về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các cán bộ xã phường, bởi đây là những tuyên truyền viên, tuyên truyền rộng rãi các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại cộng đồng dân cư.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp, trong 8 tháng đầu năm 2017, đơn vị chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hơn 1.100 tỷ đồng; trong đó, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội là hơn 576 tỷ đồng, tạm ứng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 571 tỷ đồng.


Gắn bó với việc tuyên truyền về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hơn 10 năm nay, ông Hồ Văn Hạnh - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Hòa An (thành phố Cao Lãnh) cho biết, các biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền bằng tờ rơi, áp-phích... Trở ngại lớn nhất là đa số người dân là người lao động nên ít chịu đọc cho nên cách sát thực nhất là cán bộ gặp gỡ trao đổi thông tin trực tiếp về những chính sách, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trên thực tế, ngoài việc tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, thông tin đại chúng… thì việc gần dân, tuyên truyền theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" đến tận khóm, ấp là một trong những hình thức khá hiệu quả. Qua đó, mọi thắc mắc của người dân đều được giải đáp tỉ mỉ, cặn kẽ, đồng thời cơ quan chuyên môn cũng có được thông tin đa chiều. Ý kiến của người dân giúp cho ngành bảo hiểm xã hội nhìn thấy những vấn đề còn tồn tại, từ đó có giải pháp giải quyết kịp thời, điều chỉnh, bổ sung, từng bước phục vụ tốt hơn người dân.

Là người được hưởng trực tiếp những lợi ích từ chính sách bảo hiểm y tế, ông Hồ Văn Chính, 76 tuổi tại xã Hoà An (thành phố Cao Lãnh) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chưa từng nghĩ đến việc mua thẻ bảo hiểm y tế vì sức khỏe còn, các thành viên cũng còn trong tuổi lao động. May mắn là khi được Hội Chữ thập đỏ các cấp đến tuyên truyền, vận động, tôi đã cùng các con tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế. Kể từ tháng 5/2017, tấm thẻ này đã phát huy hiệu quả thiết thực khi tôi phát hiện bị bệnh tim mạch vành, chi phí điều trị gần 200 triệu đồng. Giá viện phí được điều chỉnh tăng, nhờ bảo hiểm y tế chi trả 80% nên tôi đóng tiền cũng ít, kinh tế gia đình không bị cạn kiệt. Nếu không có bảo hiểm y tế thì gia đình đành bất lực trước căn bệnh hiểm nghèo.

Chương Đài (TTXVN)
Từ 1/1/2018, lương hưu điều chỉnh theo mức đóng bảo hiểm xã hội
Từ 1/1/2018, lương hưu điều chỉnh theo mức đóng bảo hiểm xã hội

Mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi đời, thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), mức lương đóng BHXH... Theo đó, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm và càng thấp hơn nếu thời gian đóng BHXH không cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN