Trả lời: Theo ông Lê Quang Sơn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc, có nhiều lý do khiến người nhiễm HIV/AIDS không tiếp cận với thẻ BHYT như: Người nhiễm HIV/AIDS chưa hiểu hết lợi ích thực tiễn của thẻ BHYT. Nhiều người nhiễm HIV/AIDS sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT. Đặc biệt với tâm lý sợ bị kỳ thị nên nhiều người nhiễm HIV/AIDS không tham gia BHYT...
Trước tình hình đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai Đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020”, trọng tâm quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT và chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virút cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2018 có 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT.
Theo đó, mức hỗ trợ chi trả các dịch vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT lên tới 100%. Để thực hiện được mục tiêu này, các cấp, các ngành, đoàn thể đang tích cực triển khai các biện pháp để người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh qua quỹ BHYT. Để mở rộng, bao phủ thẻ BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường các biện pháp truyền thông bằng nhiều hình thức, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, để cộng đồng hiểu về lợi ích của thẻ BHYT, qua đó tích cực vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia.
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn; yêu cầu các trung tâm y tế thông báo nội dung thanh toán, chi trả khám chữa bệnh và điều trị HIV/AIDS thông qua quỹ BHYT để người bệnh dễ tiếp cận.