Ông Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu tại tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ". Ảnh: PV
Ngày 28/3, báo Nhân dân tổ chức Tọa đàm “Tương lai nào cho trẻ tự kỷ” hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (ngày 2/4).
Tại Tọa đàm, các chuyên gia thảo luận, chia sẻ về thực trạng, thách thức và đưa ra những giải pháp, kiến nghị từ những góc nhìn, kinh nghiệm với mong muốn để trẻ tự kỷ có tương lai tươi sáng hơn. Đây là sự kiện ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức về hội chứng tự kỷ, kết nối cộng đồng hỗ trợ trẻ tự kỷ và tìm ra giải pháp thiết thực giúp các em có cơ hội phát triển tốt nhất.
Ông Phan Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh: "Truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi nhận thức xã hội. Khi hiểu đúng về tự kỷ, chúng ta sẽ có cách ứng xử đúng đắn hơn, từ đó tạo ra một môi trường bao dung, hỗ trợ để trẻ tự kỷ có cơ hội phát triển và hòa nhập. Báo Nhân Dân đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng để lan tỏa thông điệp nhân văn, góp phần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình này”.
Chia sẻ tại tọa đàm, Ths.BS Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Mỗi năm có xấp xỉ 10.000 lượt trẻ đến bệnh viện khám tự kỷ, đây là con số lớn. Nghiên cứu lớn trên thế giới cho thấy, tỷ lệ trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% dân số thế giới. Nghiên cứu cấp quốc gia sàng lọc trẻ dưới 6 tuổi ở 7 điểm đại diện cho vùng miền Việt Nam do Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với trường Đại học Y tế công cộng thực hiện năm 2018 cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ là khoảng 0,7%. Nếu mở rộng nghiên cứu ở trẻ trên 6 tuổi, có thể con số này còn cao hơn”.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội đáng lưu tâm. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Cũng theo thống kê, tự kỷ chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường…
Nhiều trẻ tự kỷ có năng lực đặc biệt, cần được hỗ trợ, tiếp sức để các em có cơ hội.
Theo BS Nguyễn Mai Hương, trước khi trẻ tự kỷ đến các trung tâm can thiệp, các trẻ cần có một đánh giá, chẩn đoán ban đầu. Thời gian gần đây, độ tuổi mà cha mẹ đưa con đến khám các dấu hiệu tự kỷ ngày càng thấp xuống (khoảng trước 2 tuổi). Điều này chứng tỏ các cha mẹ bắt đầu có nhận thức cao hơn về tự kỷ; từ khi trẻ mới chỉ có những dấu hiệu chỉ mơ hồ hoặc chỉ nghi ngờ đặt ra câu hỏi trẻ có nguy cơ tự kỷ hay không? Khi cha mẹ đưa trẻ đến khám ở tuổi càng nhỏ, trẻ sẽ càng có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động can thiệp sớm, hiệu quả can thiệp cao, chi phí can thiệp và tác động tiêu cực đến trẻ và gia đình, xã hội sẽ giảm xuống.
Ông Đặng Hoa Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (trước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: "Hàng năm, đến Ngày nhận thức về tự kỷ, chúng ta vẫn bàn đến các chính sách phát triển cho trẻ tự kỷ. Tại Việt Nam hiện nay, các chính sách cho trẻ tự kỷ vẫn chủ yếu gắn với các đối tượng nghèo, chính sách xã hội; một số địa phương đã làm được điều này. Các đối tượng trẻ em khuyết tật ở phổ tự kỷ cần được mở rộng trợ cấp, trợ giúp ở mức bao quát hơn”.
Các trẻ tự kỷ thường khó khăn ngay từ các khâu đầu tiên, ở mức xác định phổ tự kỷ. Hiện Việt Nam đã có các quy định chi tiết cho Luật người khuyết tật, nhưng lại chưa có các quy định về mức độ, dạng khuyết tật cho trẻ.
Theo ông Đặng Hoa Nam, với nhiều chuyên gia, khi cha mẹ đưa con đến kiểm tra chỉ đánh giá bằng một số trắc nghiệm trong 1-2 tiếng đồng hồ đã kết luận ngay. Trong khi, đánh giá các mức độ khuyết tật cho trẻ tự kỷ không hề đơn giản. Hiện nay, y tế cấp xã, phường hầu như không thể đánh giá được đối với trẻ tự kỷ. Cha mẹ muốn làm chính sách cho con, phải lên cấp tỉnh, thành phố. Vì vậy, cần cải thiện về chính sách ở khâu giám định. Có giám định được mới xác định được chính sách cho trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ lo lắng về việc con bị tự kỷ và việc phải làm gì cho trẻ, cách ứng xử, quyền lợi cho trẻ. Các bậc cha mẹ mong chờ rất nhiều ở các chuyên gia. Vì thế, chúng ta cần mở rộng ở các dịch vụ, không chỉ mang tính chất trị liệu, kỹ năng, mà cả hướng nghiệp. Người khuyết tật có một số khả năng đặc biệt mà người bình thường không có được. Phải làm sao để khuyến khích trẻ phát triển các khả năng đặc biệt ấy để sau này các cháu tự lo được cuộc sống, có nghề nghiệp ổn định. Cần phải có những trung tâm dịch vụ riêng cho trẻ tự kỷ, vừa chăm sóc, trị liệu, hướng nghiệp cho các trẻ, quan trọng hơn là giảm bớt gánh nặng cho các cha mẹ.
"Mỗi trẻ em sinh ra đều có quyền được yêu thương, được học tập và phát triển. Trẻ tự kỷ không nằm ngoài điều đó. Các em không phải là gánh nặng, mà chính là một phần của xã hội chúng ta, những con người có tiềm năng, có khả năng đóng góp nếu được trao cơ hội phù hợp", Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân Phan Văn Hùng nhấn mạnh.
Các bức tranh sinh động của Tạ Đức Bảo Nam được trưng bày tại Tọa đàm.
Bên lề buổi tọa đàm, ban tổ chức cũng trưng bày các bức tranh ấn tượng của em Tạ Đức Bảo Nam, sinh năm 2011 mắc chứng bệnh rối loạn phát triển tự kỷ phổ cập từ khi 17 tháng tuổi. Được chăm sóc, hướng nghiệp, phát hiện và bồi dưỡng tài năng hội họa, chỉ trong 2 tháng (từ 1/10/2024 đến 2/12/2024), Bảo Nam đã say sưa vẽ được 82 tranh, trong đó 60 bức tranh về các cây cầu. Ngoài ra, các sản phẩm do trẻ tự kỷ tự làm cũng được trưng bày, minh chứng thuyết phục rằng nếu được quan tâm và hướng nghiệp phù hợp, các em có thể lao động, sáng tạo, tự lo được cuộc sống và xây dựng tương lai cho chính mình.