Sau khi có thông tin một em bé tại Hà Nội tử vong do bệnh tay chân miệng, nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng và không biết phải làm gì khi gia đình có trẻ mắc bệnh.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Khi có trẻ bị bệnh thì nên thực hiện biện pháp cách ly như thế nào, nhất là trường hợp gia đình lại có cháu nhỏ khác? Trừ người chăm sóc trẻ, có nên “sơ tán” các thành viên khác trong gia đình không, thưa ông?
Biện pháp cách ly phụ thuộc vào đường lây của bệnh.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
Đường lây thứ nhất là qua phân của người bệnh. Nếu quản lý phân không tốt, vệ sinh bàn tay không sạch sẽ sau khi vệ sinh hoặc tiếp xúc với tã lót của trẻ, thì rất dễ nhiễm virút. Khi đó, virút qua tay bẩn vào thực phẩm, nguồn nước và vào miệng gây bệnh cho trẻ.
Đường lây thứ 2 của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp với những dịch tiết của trẻ, như dịch tiết từ những nốt phỏng, đờm dãi.
Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) từ đầu năm tới nay đã có 268 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị, trong đó 1 ca đã tử vong. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Như vậy, để phòng bệnh tay chân miệng thì điều quan trọng là chúng ta phải giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh bàn tay trẻ và người chăm sóc trẻ, cho trẻ ngủ giường riêng, ở phòng riêng (nếu điều kiện cho phép)… Việc “sơ tán” mọi thành viên khi gia đình có trẻ mắc bệnh là điều không nên, đây là một vấn đề rất phức tạp, có thể ảnh hưởng tới đời sống xã hội, nhất là đối với những gia đình không có điều kiện.
Vậy người lớn có phải “cảnh giác” với bệnh tay chân miệng không?
Từ đầu mùa dịch đến nay, Hà Nội có 374 ca mắc tay chân miệng thì chỉ có duy nhất có 1 ca mắc bệnh là người lớn (24 tuổi), số còn lại là trẻ dưới 10 tuổi, trong đó 90% là trẻ dưới 5 tuổi.
Tuy vậy, người lớn cũng không được phép chủ quan, cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Nhiều người dân đang tìm mua loại nước rửa tay khô, như của các bác sĩ, vì tin rằng như vậy sẽ tiệt trùng tốt hơn. Điều này có nên không, thưa ông?
Điều này là không cần thiết, người dân không nên sử dụng nước rửa tay khô tại nhà, chỉ nên dùng loại nước rửa tay khô ở bệnh viện, khi đi tàu xe, ở những nơi hạn chế nước và xà phòng.
Để phòng bệnh chân tay miệng, chỉ cần rửa tay bằng nước sạch và xà phòng là được, quan trọng là bạn phải rửa tay đúng cách. Đó là, làm ướt hai bàn tay dưới dòng nước sạch; thoa xà phòng vào lòng bàn tay; chà xát hai lòng bàn tay vào nhau; dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại; dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại; dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại; chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi xoay lại; xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch; lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.
Khi trẻ được chẩn đoán là mắc tay chân miệng, các bậc cha mẹ có nên yêu cầu bác sĩ cho làm xét nghiệm xác định virút gây bệnh không, thưa ông?
Hoàn toàn không nên yêu cầu hoặc năn nỉ bác sĩ cho làm xét nghiệm xác định virút gây bệnh tay chân miệng. Bởi vì, hiện nay bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Để có được kết quả xét nghiệm, người bệnh cần chờ 2- 3 ngày và sẽ phải chịu một khoản chi phí không nhỏ. Mà việc cứu bệnh thì như cứu hỏa. Do đó, việc thực hiện xét nghiệm, xác định virút gây bệnh nên để các chuyên gia y tế quyết định, nhằm xác định căn nguyên, các phân nhóm và xem virút đó đã biến đổi hay chưa.
Về nguyên tắc, việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi cần được thực hiện theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ, sau khi trẻ đã được thăm khám.
Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế, khi trẻ chỉ loét miệng và/hoặc tổn thương da, thì có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Các bậc cha mẹ nên chú ý đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Hạ sốt khi sốt cao bằng Paracetamol liều 10 mg/kg/lần (uống) mỗi 6 giờ. Vệ sinh răng miệng, nghỉ ngơi, tránh kích thích. Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
Đặc biệt cần đưa trẻ đi viện ngay khi có các dấu hiệu: Sốt cao ≥ 39oC. Thở nhanh, khó thở, giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều. Đi loạng choạng. Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Co giật, hôn mê.
Khi gia đình có trẻ bị bệnh tay chân miệng, có cần báo cho ai không, thưa ông?
Gia đình cần báo ngay cho y tế phường. Nếu xác định đúng là ổ dịch tay chân miệng, nhân viên y tế sẽ có trách nhiệm cung cấp hóa chất khử khuẩn và hướng dẫn người dân cách sử dụng (miễn phí).
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với nơi chưa có bệnh nhân thì phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Việc khử trùng đồ chơi, vật dụng, sàn nhà... hàng ngày bằng thuốc sát khuẩn thông thường.
Khi có bệnh nhân, thì cần sử dụng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác để khử trùng đồ vật, môi trường... Hoạt động này sẽ được thực hiện cho đến khi không phát hiện bệnh nhân tay chân miệng mới tại ổ dịch đó nữa (khoảng 10 ngày).
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)