Những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11 âm lịch, triều cường dâng cao đã đe dọa con đê vừa đắp xong tại khu vực cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) sau đợt triều cường của tháng 9 âm lịch gây sạt lở mất đoạn đê cũ.
Gia đình bà Lê Thị Biên (61 tuổi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) phải thức trắng đêm canh nước, lo lắng nước dâng cao tiếp tục gây sạt lở đoạn đê vừa đắp xong.
Bà Biên cho biết, chỉ trong vòng 3 năm gần đây, hơn 1,3 ha đất của gia đình bà đã bị sạt lở và hai căn nhà của bà Liên (trị giá hơn 700 triệu đồng) bị cuốn trôi do triều cường dâng cao kết hợp sóng lớn. Hiện đối với phần đất còn lại, bà Liên không dám canh tác vì lo tiếp tục bị sạt lở bất cứ lúc nào.
Bà Liên chia sẻ, trong tháng 9, do bị sạt lở đất nên nước biển tràn vào ao tôm, đã gây thiệt hại gần 100 triệu đồng, đến nay gia đình bà còn chưa trả hết nợ, do đó gia đình bà không dám đầu tư trồng trọt hay nuôi tôm nữa. Ngoài ra, gia đình bà Liên cũng không còn đủ tiền để xây nhà, nên chỉ làm chòi tạm để ở.
Bà Liên cho hay, những năm gần đây, triều cường ngày càng dâng cao, kết hợp với sóng lớn, đã gây sạt lở đất rất nhanh. Cụ thể, chỉ 3 năm trở lại đây, sóng biển ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét, phần đất trước kia của gia đình bà giờ chỉ là bãi biển. Bà Liên mong muốn, các ngành chức năng sớm có biện pháp xây dựng tuyến đê nhằm ngăn tình trạng sạt lở, để người dân nơi đây yên tâm canh tác, phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết, liên tục các năm gần đây, vào mùa gió chướng (gió mùa Đông Bắc), sóng biển kết hợp triều cường đã gây sạt lở đất rất dữ dội. Người dân nơi đây đã đồng lòng hùn tiền đắp các con đê bằng đất nhưng cũng không giữ được. Mỗi lần sạt lở vỡ đê, người dân lại thuê máy đắp lại và mua các tấm bạt (ni-lông) để ngăn nước nhưng mực nước ngày càng dâng cao. Đến nay, đã có 4 con đê do người dân đắp bị hư hại, có nơi sạt lở ăn sâu vào đất liền gần 200m. Do chỉ đắp đê đất cát tạm thời nên không thể giữ được đê, trong khi đó, tình trạng sạt lở đất ngày càng gia tăng hơn vào những tháng cuối năm âm lịch, vì vậy người dân nơi đây mong muốn ngành chức năng sớm xây dựng đê kè.
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt, bão tỉnh Bến Tre, khu vực sạt lở dọc theo khu vực ven biển cửa sông Hàm Luông (cồn Lợi) thuộc ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú diễn biến nghiêm trọng. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 1.500m, chiều rộng 50 - 100m. Tình trạng này đã gây sạt lở đất của 13 hộ dân với 11,25 ha đất nông nghiệp, 2 căn nhà, 1 trụ sở kiểm soát biên phòng, bờ kè dài 100m và ngập úng 10 ha hoa màu. Hiện tình trạng sạt lở đất tiếp tục đe dọa, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân đang cư trú, canh tác trên khu vực diện tích khoảng 120 ha.
Ông Nguyễn Quang Thương, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt, bão tỉnh Bến Tre cho biết, do ảnh hưởng tác động biến đổi khí hậu, Bến Tre có trên 110 điểm sạt lở bờ biển, bờ sông, làm mất nhiều diện tích đất sản xuất, đất rừng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Trong đó, tỉnh Bến Tre vừa công bố tình trạng khẩn cấp của 4 khu vực sạt lở nghiêm trọng có 3 điểm sạt sở bờ biển với chiều dài hơn 5,7 km (khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú; khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; bờ biển khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại) và một điểm sạt lở bờ sông Bến Tre chiều dài hơn 1,2 km.
Theo ông Thương, Bến Tre đã có nhiều giải pháp khắc phục tạm thời như: Tuyên truyền vận động người dân trồng cây tạo bồi, trồng rừng nhưng diễn biến sạt lở vẫn xảy ra, ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện nay, tỉnh có kiến nghị xin kinh phí từ Trung ương, các tổ chức hỗ trợ Bến Tre đầu tư các công trình kiên cố khắc phục tình trạng sạt lở đất trên.