Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn, nhân lực hạn chế, nguồn thu nhập ít ỏi… nên tại một số nơi lực lượng y tế tại các trạm y tế đã xin nghỉ việc. Trước bối cảnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để động viên, giữ chân lực lượng y tế ở cơ sở trong bối cảnh lực lượng ở đây hiện rất mỏng.
Áp lực quá lớn
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp nữa nghỉ việc. Đa số trường hợp là điều dưỡng, bác sỹ và một số nhân viên ở trạm y tế xin nghỉ vì lý do cá nhân, gia đình. Nhiều nhân viên y tế, đặc biệt những người đang công tác tại tuyến y tế cơ sở cho rằng họ đang phải chịu áp lực công việc quá lớn, đặc biệt là trong các đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, trong khi mức lương nhận được chưa tương xứng.
Trạm Y tế xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh), trước đây có 8 nhân viên, sau đó có một bác sỹ nghỉ hưu. Đầu tháng 12/2021, một nam dược sĩ cao đẳng của trạm chính thức nghỉ việc. Hiện, nhân sự của trạm y tế xã Trung Chánh chỉ còn 6 người. Bác sỹ Nguyễn Thị Sang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trung Chánh cho biết: Công việc thường xuyên của trạm là đảm trách 19 chương trình mục tiêu quốc gia như sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, lao, tâm thần, da liễu, HIV, người cao tuổi, khám nghĩa vụ quân sự, vệ sinh môi trường, sốt rét, nha học đường, tiêm chủng mở rộng, truyền thông sức khỏe, bệnh không lây, khám bảo hiểm y tế… đồng thời, tham gia phòng, chống dịch COVID-19, quản lý và điều trị F0.
“Kể từ khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, người dân trên địa bàn xã đi làm bình thường, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại. Trạm Y tế xã tiếp tục nhiệm vụ xét nghiệm nhanh cho các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Tuy nhiên, do ít nhân viên y tế, người đến xét nghiệm đông nên không tránh khỏi tình trạng chờ đợi. Có người tới sau muốn được lấy mẫu trước nhưng không được đáp ứng thậm chí còn lớn tiếng với nhân viên y tế khiến nhiều nhân viên y tế lo sợ”, bác sỹ Sang chia sẻ.
Tương tự, anh L.B.L., nhân viên y tế công tác tại một trạm y tế ở huyện Bình Chánh, nộp đơn nghỉ việc sau gần 4 năm gắn bó với nghề. Từ một người quanh năm thăm khám cho người bệnh, giờ đây anh L chuyển qua kinh doanh tại nhà. Nhớ về nơi mình từng gắn bó, anh L. chia sẻ, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân đến trạm y tế khám quá đông trong khi lực lượng y tế vô cùng hạn chế. Theo đó, các nhân viên y tế tại trạm phải chia thành nhiều ca trực làm việc triền miên. Một người cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí mới đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ngoài áp lực thời gian và công việc, sau gần 4 năm làm việc mức lương mà anh L. nhận chỉ 5 triệu đồng/tháng, chưa kể một thời gian dài trước đó mức lương chỉ ngót nghét 4 triệu đồng/tháng.
Chung nỗi niềm với anh L., bác sỹ Trương Thanh Tùng, Trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), nơi chỉ có 10 nhân viên y tế "gánh" gần 170.000 dân (xã có số dân cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh) nói rằng, dù đã gắn bó với trạm y tế 20 năm nay nhưng đến nay lương của mình hiện chưa đến 6 triệu đồng/tháng. Thậm chí trong trạm còn có điều dưỡng chỉ hưởng mức lương 4 triệu đồng/tháng. Với mức lương như trên, các nhân viên y tế không thể trang trải chi chí cho cuộc sống cá nhân, chưa kể nhiều người còn có gia đình, cha mẹ, con cái cần chăm lo. “Cống hiến gần như toàn bộ thời gian cho việc chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng nhân viên y tế cơ sở vẫn phải tính toán cân đối tiền ăn ở, tiền nhà, nuôi dạy con cái với nguồn thu nhập ít ỏi. Chính điều này cũng ít nhiều khiến họ không còn mặn mà với nghề”, bác sỹ Trương Thanh Tùng nêu thực tế.
Ghi nhận thực trạng trên, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Tính trung bình, Thành phố hiện có 20 bác sỹ/vạn dân, cao gấp đôi cả nước nhưng so với các quốc gia lân cận, chỉ số bác sỹ của họ dao động ở mức 36-62 bác sỹ/vạn dân. Như vậy, chỉ số bác sỹ của Thành phố Hồ Chí Minh này vẫn còn thấp so yêu cầu thực tế. Trong điều kiện bình thường thì không thiếu bác sỹ nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, số ca bệnh tăng cao cùng lúc thì tình trạng quá tải là không thể tránh khỏi.
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến cuối nhưng ở cấp cơ sở thì việc việc phân bổ nhân viên y tế lại thuộc diện thấp nhất cả nước, trung bình chỉ có 2,3 nhân viên y tế/vạn dân. Trong khi đó, thực tế từ đợt dịch lần thư tư cho thấy y tế cơ sở bao gồm các trạm y tế phường, xã, thị trấn và trạm y tế lưu động đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho các bệnh viện thu dung, điều trị. Nhiệm vụ, vai trò của y tế cơ sở càng nặng hơn từ khi Thành phố thực hiện giải pháp cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID -19 tại nhà. Môi trường làm việc nhiều áp lực và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến nhiều người không bám trụ được, quyết định nghỉ việc sau nhiều năm gắn bó.
Nỗ lực thu hút, giữ chân nhân lực y tế cơ sở
Trước thực trạng trên, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án gửi Thường trực UBND Thành phố các cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở và giữ chân nhân viên y tế. Cụ thể, Sở Y tế kiến nghị chính sách trước mắt hỗ trợ về lương, bác sỹ sẽ nhận thêm khoản bằng 1,5 lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng. Trước đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở nhưng khá thấp, từ 400.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thành phố cần có các chính sách thu hút để giữ chân nhân viên y tế ở lại với cơ sở. Trong đó đó, Sở Y tế đã đề xuất hỗ trợ cho bác sĩ tại trạm y tế là 5 triệu đồng/tháng, trình độ đại học, y sĩ hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng và trình độ cao đẳng 3 triệu đồng/tháng.
Về chính sách thu hút nhân viên y tế đến các trạm, ông Tăng Chí Thượng cho biết: Sở Y tế đã làm việc với các trường đại học, đặc biệt là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về cơ chế mới để thu hút bác sỹ mới tốt nghiệp. Hiện nay theo quy định, bác sỹ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Nay ngành y tế đề xuất phân bổ bác sỹ mới tốt nghiệp về trạm y tế thực hành 12 tháng, 6 tháng thực hành ở bệnh viện, điều này có lợi cho cả 2 phía. Theo đó, bác sỹ mới tốt nghiệp về cơ sở gần dân, hiểu dân thì sau này công tác thuận lợi hơn. Ngược lại, các trạm y tế phường xã sẽ thường xuyên có bác sỹ trẻ luân phiên đến công tác vừa thực hành.
“Để tạo động lực cho bác sỹ trẻ an tâm đến trạm y tế thực hành, Sở kiến nghị Thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian xuống y tế cơ sở, mỗi tháng nhận khoảng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, không phải đóng tiền thực hành. Nếu đề xuất này thành hiện thực, thành phố sẽ có lực lượng bác sỹ trẻ khám, chữa bệnh cho người dân ngay tại tuyến cơ sở”, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch vừa qua thành phố đã huy động 5.202 tình nguyện viên từ các nhân viên y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, các tình nguyện viên tôn giáo hoặc người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch. Để giảm tải cho hệ thống y tế, ngành y tế kiến nghị tiếp tục áp dụng mô hình trên để bổ sung nguồn huy động lực lượng cho trạm y tế. Những lực lượng này sẽ được hưởng mức hỗ trợ từ 1 đến 2 lần mức lương tối thiểu vùng, áp dụng theo quy định tại từng thời điểm, từng đối tượng. Dự kiến tổng chi phí chi cho chương trình này gần 17 tỷ đồng/tháng.
Ở góc độ chuyên môn, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, kết cấu tổ chức của y tế Việt Nam rất tốt, rất ưu việt với một hệ thống y tế từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã để việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, len lỏi đến từng ngõ ngách với nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, chống suy dinh dưỡng…Tuy nhiên, trong thời gian dài, nước ta chỉ tập trung phát triển y tế Trung ương và tuyến tỉnh còn tuyến huyện, xã chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt trạm y tế phường, xã còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, qua đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này cho thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở. Do đó, việc đầu tư cho y tế cơ sở là việc cấp bách mà không thể chờ đợi.
Cụ thể, cần có chế độ chi trả đặc thù cho lực lượng nhân viên y tế cơ sở, dĩ nhiên sự ưu tiên đó nằm trong khuôn khổ cho phép, công bằng chứ không phải đòi hỏi quá mức. Chẳng hạn như có thêm khoản phụ cấp, hỗ trợ kinh phí trong trường hợp thi chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, thạc sĩ; hỗ trợ học phí cho con em; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho phụ mẫu; tạo điều kiện cho cán bộ y tế phường, xã được học tập nhiều hơn.
“Y khoa là một ngành khoa học thực hành, kinh nghiệm ở người bác sĩ là rất quan trọng để quyết định việc chẩn đoán, điều trị. Do đó, cần phải tạo điều kiện cho nhân viên y tế xã lên tuyến trên để trau dồi kinh nghiệm cá nhân, sau đó quay về phục vụ cho địa phương. Bên cạnh những đợt tập huấn, nên luân chuyển nhân viên y tế từ Trung ương, tỉnh, huyện về trạm y tế xã, phường và ngược lại trong một khoảng thời gian cụ thể như 6 tháng hoặc một năm, tùy theo tình hình địa phương và ngược lại để nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, phục vụ người dân tốt hơn”, bác sỹ Nguyễn Tri Thức nêu khuyến nghị.