Làm sao gia tăng tỷ suất sinh cũng như kìm hãm tốc độ già hóa dân số, chăm lo tốt cho sức khỏe của người cao tuổi là bài toán đang được đặt ra. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết ghi nhận thực tế, phân tích nguyên nhân, ý kiến các chuyên gia đề xuất các giải pháp, chính sách để nâng tỷ suất sinh, thích ứng với già hóa dân số của Thành phố trong những năm tới.
Bài 1: Bài toán 'khuyến sinh'
Trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất sinh của Thành phố Hồ Chí Minh liên tục giảm sút và ngày càng kém xa với mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đây được dự báo sẽ là trở ngại cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong tương lai. Là địa phương có chi phí sinh hoạt cao nhất cả nước, bài toán "khuyến sinh" của Thành phố Hồ Chí Minh đang đối diện với nhiều thách thức.
Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng lười sinh con, do đâu?
Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2000 đến nay, tỷ suất sinh của Thành phố liên tục giảm, từ 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuống chỉ còn 1,39 năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong 21 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tình trạng chỉ sinh 1 con, thậm chí không kết hôn, không sinh con đang dần phổ biến trong phụ nữ trẻ hiện nay. Dù con gái đã hơn 11 tuổi nhưng chị Lê Thị Hà (35 tuổi, ngụ quận Tân Phú) vẫn quyết định không sinh thêm bé thứ 2. “Hai vợ chồng mình đều ở tỉnh lên Thành phố làm công nhân, thu nhập thấp. Hai năm nay, công ty chồng mình khó khăn, công việc ít nên kinh tế càng eo hẹp. Mình vẫn chưa mua được nhà nên không nghĩ đến chuyện sinh con thứ hai”, chị Hà chia sẻ lý do chỉ sinh một con.
Không bị áp lực về kinh tế khi có chồng làm việc cho một tập đoàn lớn nhưng chị Trần Như Quỳnh (30 tuổi, ngụ Quận Bình Thạnh) vẫn quyết định chỉ sinh một con. Chị Quỳnh cho hay, hai vợ chồng đều bận rộn với công việc và các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, không có nhiều thời gian vào việc chăm sóc con cái. “Nếu sinh con ra mà lại giao hết cho người giúp việc, tôi nghĩ không nên sinh tiếp nữa. Sinh con là phải có trách nhiệm đảm bảo cho con một cuộc sống đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần, tình cảm”, chị Quỳnh nêu quan điểm.
Một khảo sát của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, phụ nữ ngày càng kết hôn muộn, cùng với đó những áp lực về việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt khiến cho tỷ suất sinh đẻ giảm. Cùng với đó, chi phí cho việc nuôi dạy và chăm sóc con cái từ ăn, ở, mặc cho đến giáo dục, vui chơi giải trí… đều tăng cao dẫn đến tâm lý sinh ít để có điều kiện tốt nhất cho con phát triển.
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc phụ nữ sinh ít con, chỉ ở mức dưới 1,4 con như hiện nay khiến cho nguy cơ Thành phố sẽ bị thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai. Mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số, trong khi tỷ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này làm gia tăng tốc độ già hóa dân số của Thành phố. Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã bước sang giai đoạn già hóa dân số với số lượng người cao tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số.
Cần chính sách "khuyến sinh" hợp lý
Trước tình trạng mức sinh giảm sút trên địa bàn, tháng 3/2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành “Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030”. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu nâng tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025, hướng tới năm 2030 là 1,6 con. Quy mô dân số Thành phố khoảng 10,6 triệu người vào năm 2025 và đạt 12 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên phấn đấu trên 1,1% vào năm 2025, trên 1,3% vào năm 2030.
Theo các chuyên gia, mục tiêu trên để đạt được là không dễ dàng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh lo ngại, nếu Thành phố không có chính sách khuyến sinh hợp lý rất khó tăng tỷ suất sinh trên địa bàn.
Thạc sĩ Nguyễn Quang Việt Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số và Phát triển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Thành phố cần có những chính sách phù hợp để giảm áp lực cho người phụ nữ. Làm sao để họ cảm thấy việc mang thai sinh con được gia đình và xã hội chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không có các chính sách "khuyến sinh" hợp lý, khoảng từ 20 - 30 năm sau, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ giống như Nhật Bản và Hàn Quốc bây giờ, phải đối mặt với tình trạng dân số già và thiếu hụt lao động trầm trọng.
Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Thành phố Hồ Chí Minh cần dừng ngay các chính sách kiểm soát sinh để chuyển hẳn sang chính sách khuyến khích sinh bằng cách thay đổi khẩu hiệu từ “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” thành “Mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình”. Đồng thời, thành phố tăng cường các chính sách hỗ trợ chăm sóc, nuôi dạy trẻ em để giảm gánh nặng, giúp phụ nữ có đủ điều kiện sinh con, nuôi dạy con nhưng vẫn có thể thăng tiến trong công việc và hoạt động xã hội…
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố cho biết, đơn vị đề xuất với UBND Thành phố các chính sách nhằm tăng tỷ suất sinh trong những năm tới như: Miễn, giảm toàn bộ viện phí sinh con lần thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu tại Thành phố; ưu tiên hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội, thuê nhà đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con có hộ khẩu Thành phố. Cùng với đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề xuất miễn, giảm chi phí học cho trẻ dưới 10 tuổi, bổ sung phần chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh, triển khai chương trình sữa học đường...
Bài cuối: Thích ứng với già hóa dân số