Chất lượng dân số vẫn còn hạn chế
Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân, thuộc vào nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với khoảng 70% dân số trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ dân số trẻ cũng ở mức cao là cơ hội "có một không hai" để có thể bứt phá, phát triển. Tuy nhiên bên cạnh cơ hội vàng đó, quy mô dân số gia tăng cũng tạo áp lực rất lớn lên các lĩnh vực khi tăng thêm nỗi lo về cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng môi trường, cơ sở hạ tầng, các vấn đề an sinh xã hội, công ăn việc làm…
Đặc biệt vấn đề nâng cao chất lượng dân số cũng thêm áp lực không nhỏ. Trong khi đó, theo các chuyên gia, chất lượng dân số có quan hệ mật thiết với trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong mục tiêu phấn đấu của quốc gia, chất lượng dân số được coi là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa phát triển bền vững của đất nước.
Nhận định về vấn đề nâng cao chất lượng dân số thời gian qua, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: “Thời gian qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong nâng cao chất lượng dân số. Theo báo cáo phát triển con người, chỉ số HDI của Việt Nam đều tăng qua các năm và đã đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tính từ lúc sinh ra đã đạt 73,7 tuổi (năm 2020) và cao hơn so với trung bình chung của khu vực Đông Nam Á. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam đã có bước cải thiện; chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể (năm 2020, chiều cao trung bình ở nam giới đạt 168,1 cm, ở nữ giới đạt 156,2cm); tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) năm 2020 giảm còn 14,8%; tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đều giảm mạnh; tỷ số tử vong bà mẹ cũng giảm mạnh… Nhiều dịch vụ như: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng…”
Tuy đã có sự cải thiện nhưng hiện nay chất lượng dân số vẫn còn hạn chế, chỉ số phát triển con người vẫn còn thấp, tầm vóc chậm được cải thiện; tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khoẻ mạnh lại thấp so với nhiều nước; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người…
Bên cạnh thực tế trên, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, còn nhiều khó khăn, thách thức để nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, mức sinh giữa các vùng hiện còn chênh lệch đáng kể; đặc biệt, việc mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Hiện vẫn chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ "dân số vàng" và thích ứng với việc già hóa dân số. Chất lượng dân số còn thấp trong khi phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập… Thực tế trên đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của những hạn chế trên là do hiện nay quản lý nhà nước về dân số còn bất cập, một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình ở cấp cơ sở còn thấp; chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình dân số. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu trong giai đoạn mới. Đặc biệt, người dân nhận thức và tiếp cận sớm với tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cũng như hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh còn hạn chế...
Ông Phạm Vũ Hoàng cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, nếu những khó khăn của công tác dân số không giải quyết được triệt để, chúng ta sẽ phải đối mặt với viễn cảnh không mấy tốt đẹp. Ví dụ như nếu mức sinh không điều chỉnh phù hợp các vùng, đối tượng sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.
"Nếu mức sinh tăng cao trở lại, gia tăng dân số nhanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc đảm bảo an sinh xã hội, thu nhập bình quân trên đầu người, cản trở phát triển kinh tế - xã hội nói chung; gây khó khăn lớn cho việc cải thiện đời sống của nhân dân, hạn chế điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, văn hóa và thể lực của giống nòi. Còn nếu mức sinh thấp sẽ gây suy giảm dân số, thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, suy giảm ảnh hưởng trên trường quốc tế; thiếu người chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số… Hay nếu để tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị; gia tăng tình trạng buôn bán người, xuất cảnh để kết hôn và tăng tốc độ già hoá dân số. Đặc biệt, vị thế, vai trò của người phụ nữ cũng ngày càng bị hạ thấp, thậm chí phụ nữ còn trở thành hàng hoá của nạn buôn bán người và mại dâm…", ông Phạm Vũ Hoàng cho hay.
Tập trung nguồn lực cho công tác dân số
Trong bối cảnh, Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" và để phát huy được lợi thế của thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", đảm bảo nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước thì điều kiện quan trọng và then chốt là cần nâng cao được chất lượng dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo ông Phạm Vũ Hoàng, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều Chương trình, hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số như: Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Nhiều chương trình, đề án có lồng ghép mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.
Mục tiêu nâng cao chất lượng dân số đã được cụ thể trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 như: Phấn đấu đến năm 2030, 90% tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Đặc biệt, phấn đấu đưa chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm; chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á…
Để đạt được những mục tiêu đó, khắc phục khó khăn, hướng tới nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới, theo các chuyên gia, cần đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, ban hành các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn, tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc; bảo đảm hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người dân trong thực hiện chính sách dân số. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các chương trình thể dục, thể thao rèn luyện, nâng cao sức khỏe; các chương trình dinh dưỡng, sữa học đường nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam; phát triển mạng lưới chăm sóc người cao tuổi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng theo các cấp độ khác nhau…
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cũng cho rằng: Để làm tốt công tác Dân số và Phát triển, thời gian tới các cơ quan chức năng, địa phương cần tập trung vào việc phân tích thật kỹ tình trạng dân số của địa phương để xác định vấn đề cần ưu tiên giải quyết (không phải địa phương nào cũng mất cân bằng giới tính khi sinh, cũng có mức sinh quá cao hoặc quá thấp..).
Bên cạnh đó cần củng cố, tăng cường hệ thống bộ máy tổ chức quản lý công tác dân số; nếu bộ máy này không được củng cố, tăng cường ở cơ sở sẽ là gánh nặng rất lớn của ngành Y tế. Đặc biệt, các địa phương cần đảm bảo đầu tư kinh phí cho công tác dân số, theo tinh thần Nghị quyết 21 về công tác dân số và mức đầu tư phải tương xứng với các mục tiêu đề ra.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, thời gian tới, ngành Dân số tiếp tục nỗ lực triển khai theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các Chương trình đã được Chính phủ phê duyệt… Các hoạt động sẽ tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng", duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước