TP Hồ Chí Minh thiếu nhân lực công nghệ cao

Nguồn nhân lực công nghệ cao được xem là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện hạt nhân, công nghệ gen... Tuy nhiên, do nhiều bất cập trong khâu đào tạo, định hướng nghề nghiệp nên nguồn nhân lực công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh đang yếu và thiếu.


Nhiều bất cập


Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmi), tại TP Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 55.000 - 60.000 sinh viên các trường đại học và cao đẳng tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên trong tổng số sinh viên ra trường, sinh viên thuộc lĩnh vực công nghệ lại chiếm quá thấp (chỉ khoảng 40%), còn lại là các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế - quản lý - khoa học xã hội (chiếm hơn 60%). “Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đang tồn tại nghịch lý là rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực có trình độ cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển. Nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động lại không tuyển được, đặc biệt ở các ngành sản xuất công nghiệp công nghệ cao”- ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi, cho biết.


Việc thu hút đầu tư trong các ngành công nghệ cao sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. (ảnh chụp tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh).


Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, tình trạng này đã khiến chúng ta mất đi nhiều cơ hội. Một tập đoàn công nghệ thông tin của Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và ngỏ ý cần khoảng 200 lao động trong lĩnh vực thiết kế bo mạch điện tử nhưng chúng ta đã không thể đáp ứng được yêu cầu trên. Mặt khác, khi đối tác tổ chức sát hạch các kỹ sư công nghệ thông tin của ta theo tiêu chuẩn Nhật Bản thì tỉ lệ đạt của các ứng viên rất thấp (chỉ dưới 10%). Nguyên nhân của tình trạng trên là những bất cập trong khâu đào tạo và hướng nghiệp cho học sinh. “Lâu nay, công tác hướng nghiệp chỉ tập trung vào nhóm ngành kinh tế chứ chưa chú trọng vào nhóm ngành công nghệ cao. Công tác hướng nghiệp cũng còn nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, lực lượng hướng nghiệp viên và tài liệu đều thiếu. Vì vậy, mới có tình trạng khá nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm và có hơn 60% cử nhân, kỹ sư các trường đại học ở Việt Nam chấp nhận những công việc trái ngành hoặc làm việc ở mức trình độ thấp hơn. Theo nhiều cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 15% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học” - ông Tuấn cho biết thêm.


Cần liên kết trong đào tạo


Theo ông Tuấn, hoạt động hướng nghiệp hiện nay rất quan trọng. Nó giúp cho học sinh-sinh viên-người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp tương lai trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, phải có sự kết hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo với lao động - việc làm như các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động, phụ huynh, học sinh… Làm tốt được điều này, sẽ giải quyết được cán cân cung cầu lao động hợp lý.

Hiện nay, để có nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình như gửi lao động đi đào tạo ở nước ngoài hoặc đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước, liên kết đào tạo vừa học vừa làm theo nhu cầu của doanh nghiệp... Chẳng hạn Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã có hẳn một chương trình lựa chọn, bồi dưỡng những sinh viên ưu tú nhất của trường để tạo nguồn nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch, nhằm cung ứng lực lượng cơ hữu cho các doanh nghiệp khi cần.


Bên cạnh đó, thành phố cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực công nghệ cao đầu tư vào thành phố - như Tập đoàn Intel để tạo điều kiện cho nguồn nhân lực công nghệ cao thành phố tiếp cận với những công nghệ hiện đại thế giới. Một đại diện của công ty Intel Việt Nam cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ ảnh hưởng một vài doanh nghiệp hay một vài lĩnh vực kinh tế nhất định mà đang là vấn đề đang được xã hội quan tâm. “Vấn đề này cần được nhìn nhận từ góc độ vĩ mô - đó là giáo dục đào tạo. Vì vậy, Intel đang nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua nhiều hoạt động hợp tác với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam. Theo đó, chúng tôi dành nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập và nghiên cứu, sau khi tốt nghiệp còn có sự đảm bảo về việc làm. Sở dĩ, Intel đầu tư như vậy để đào tạo nguồn kỹ sư giỏi cho việc phát triển nguồn nhân lực cho nhà máy Intel tại Việt Nam và ngành công nghệ cao của Việt Nam. Chúng tôi cũng tin rằng với sự hợp tác tốt giữa doanh nghiệp và nhà trường thì vấn đề “khát” nguồn nhân lực sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất”- vị đại diện Intel Việt Nam cho biết.


Theo quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020, trong giai đoạn 2011-2015, TP Hồ Chí Minh xác định ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 4 ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm.
“Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại, nên người sinh viên sau khi tốt nghiệp để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp... trong khi chờ các cơ quan chức năng có những giải pháp hỗ trợ giúp giải quyết việc làm. Có như vậy, sinh viên mới ra trường mới không lo thất nghiệp và dễ dàng vượt qua được những yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp” - ông Tuấn chia sẻ thêm.



Bài và ảnh:Hoàng Tuyết

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Việc đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nhân lực chất lượng cao, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề…là những hướng đi được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN