TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát các loại thịt “bẩn”

Gần đây, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng thịt “bẩn” được tuồn vào Thành phố tiêu thụ. Sắp tới, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như chống lại các loại thịt “bẩn”, thịt “lậu”rất cần có sự vào cuộc của các ngành liên quan cũng như cần sự “tẩy chay” các loại thịt không rõ nguồn gốc của người tiêu dùng.


Bất an vì thịt “bẩn”


Cuối tháng 7, Đội Cảnh sát kinh tế quận Thủ Đức (TP.HCM) đã phối hợp với trạm thú y quận bất ngờ kiểm tra một kho hàng đông lạnh trên địa bàn và phát hiện hơn 7 tấn thịt gà đông lạnh không rõ nguồn. Điều đặc biệt, dù thịt đã quá hạn sử dụng hơn 10 ngày nhưng vẫn đang được dự trữ làm nguyên liệu chế biến chả lụa. Trong khi đó, mới đây Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã tiến hành lấy 222 mẫu nước tiểu từ các đàn lợn của 8 tỉnh có lượng thịt lợn lớn nhập vào TP.HCM để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, vẫn còn phổ biến tình trạng heo sử dụng chất cấm, trong đó nhiều nhất là tỉnh Đồng Nai. Qua tiến hành kiểm tra 8 cơ sở giết mổ ở TP.HCM, kết quả cũng cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm tạo nạc, tăng trọng cho lợn…đang ở mức báo động.


Theo báo cáo của Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục đã xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 24 tấn thịt heo “bẩn” không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kinh doanh, hơn 1 tấn thịt gà đã qua giết mổ không có giấy chứng nhận kinh doanh, có biểu hiện biến màu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối...

TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát các loại thịt gia súc, gia cầm vào Thành phố


Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết: Chất cấm được phát hiện trong đợt kiểm tra vừa qua là một hợp chất hóa học thuộc họ beta-agonist chất tăng trọng, tạo nạc được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Trong những chất kể trên thì salbutamol, clenbuterol và ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Việc sử dụng các loại chất này tồn dư trong thịt sẽ gây ra hội chứng ngộ độc cho người sử dụng bao gồm các triệu chứng như: tim đập nhanh, run cơ, tăng huyết áp, căng thẳng, đau đầu, đau cơ, buồn nôn...


Theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, sau 2 năm tái cơ cấu ngành chăn nuôi, vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng doanh nghiệp đưa các chất tăng trọng, chất cấm vào trong thức ăn chăn nuôi để bán cho người tiêu dùng. Điều này, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của ngành chăn nuôi trong nước.


Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục đã xử lý trên 1.000 trường hợp vi phạm; trong đó có 24 tấn thịt heo “bẩn” không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kinh doanh, hơn 1 tấn thịt gà đã qua giết mổ không có giấy chứng nhận kinh doanh, có biểu hiện biến màu, rỉ dịch, bốc mùi hôi thối...


“Tuy nhiên, điều đáng lo hơn thời gian tới khi dự thảo Luật Thú y sẽ không còn quy định về kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh và thịt ngoại, khi đó các loại thịt này sẽ thoải mái lưu thông. Điều này, đồng nghĩa với việc ngành thú y sẽ không còn đủ công cụ để quản lý và người tiêu dùng sẽ phải chật vật với cuộc chiến chống thịt “bẩn”. Hiện, chúng ta vẫn chưa có quy định xử lý đối với lợn, bò bơm nước trước khi giết mổ. Vì vậy, chúng ta cần phải có quy định xử phạt nghiêm hơn nữa đối với việc bơm nước vào gia súc vì nguy cơ nguồn nước bơm vào lợn, bò bị nhiễm bẩn rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Phát cho biết thêm.


Tăng cường quản lý


Để hạn chế, ngăn chặn thịt “bẩn” tuồn ra các chợ tiêu thụ, Chi cục Thú y TP.HCM đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát, kiểm tra các loại thịt gia súc, gia cầm ngay từ các cửa ngõ vào Thành phố; đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các nước vào Việt Nam. Những giải pháp tăng cường được triển khai là tổ chức lấy mẫu định kỳ, đột xuất để giám sát hoá chất tồn dư, mầm bệnh trong sản phẩm thịt…. Nếu phát hiện dương tính với mầm bệnh hoặc có chất tồn dư vượt giới hạn cho phép… Cục Thú y sẽ xử lý theo quy định, đồng thời gởi thông báo, cảnh báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan ở trong nước và nước ngoài.


Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn TP.HCM, thành phố đã có những thành công nhất định trong việc ngăn chặn thịt “bẩn”. Theo đó, thành phố đã quyết liệt về việc ngăn chặn các lò giết mổ thủ công nhỏ lẻ lạc hậu, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ - cung ứng thực phẩm quy mô theo dây chuyền công nghiệp hoạt động. Chỉ tính hơn 1 năm qua, đơn vị đã xử phạt 67 cơ sở giết mổ trái phép heo và gia cầm. Ngoài ra, TP.HCM đã và đang chủ động kết nối với các địa phương vệ tinh để phối hợp quản lý và cung ứng nguồn thịt sạch cho thành phố.


Trong khi đó, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đang thí điểm xây dựng vùng an toàn thực phẩm tại 5 tỉnh thành, trong đó có 3 tỉnh thí điểm chăn nuôi an toàn, không có dịch heo tai xanh tại Nam bộ. Thời gian sắp tới đề án có hiệu quả sẽ giúp tăng cường quản lý thực phẩm cho TP.HCM nói riêng và các tỉnh trong đề án nói chung.



Lê Nghĩa- Hoàng Tuyết (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN