Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, công tác quản lý cách ly tập trung hiện nay rất quan trọng vì giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị quản lý các khu cách ly cần nâng cao ý thức cảnh giác và xử lý thật nghiêm các trường hợp chưa đủ thời gian cách ly đã tự ý đi ra ngoài. Đặc biệt, ngành y tế cần đảm bảo và khảo sát các khu cách ly xem có đủ năng lực tiếp nhận người bệnh hay không, rà soát và giám sát chặt các khu cách ly tập trung để hạn chế việc cách ly tại nhà. Đáng chú ý, cán bộ địa phương, UBND quận, huyện, phường, xã cũng sẽ phải chịu trách nhiệm khi có trường hợp người cách ly rời khỏi nhà mà không khai báo khi đang thời gian cách ly.
Ngoài ra, nhiều câu hỏi cũng đặt đặt ra, việc cách ly tại nhà đang được giám sát ra sao, đơn vị nào chịu trách nhiệm giám sát việc cách ly tại nhà? Như trường hợp bệnh nhân 1342 đi ra ngoài trong thời gian cách ly tại nhà dẫn đến hàng loạt ca F1, F2. Điều này, cho thấy, công tác quản lý việc cách ly tại nhà đang có lỗ hổng. "Do đó, để giám sát chặt việc cách ly tại nhà, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cần chuyển địa chỉ những người phải cách ly tại nhà về cho địa phương để địa phương giám sát, theo dõi, kiểm tra để giảm thiểu hậu quả như bệnh nhân 1342 vừa qua", Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, từ nay đến cuối năm thành phố còn diễn ra nhiều hoạt động liên quan đến việc hoàn thành các kế hoạch sản xuất, kinh doanh... Tuy nhiên, nơi nào ca bệnh đi qua, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đều phải đóng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân nói riêng và hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố nói chung. Vì vậy, những người đứng đầu các quận huyện, phường, xã cần ưu tiên công tác chống dịch và kiểm soát dịch bệnh an toàn nhưng đồng thời, vẫn phải đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu thu ngân sách mà Chính phủ giao.