Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 2 tuần tới chính là thời điểm quan trọng, quyết định thắng bại công tác chống dịch. Vì vậy, các đơn vị cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là, đặc biệt cần nghiên cứu tham mưu cho ủy ban quy định xử phạt hành chính nếu không đeo khẩu trang nơi công cộng. Theo đó, đề nghị toàn hệ thống chính trị thực hiện nghiêm chủ trương việc đeo khẩu trang khi đến nơi đông người nhằm đảm bảo sức khỏe cho từng người dân và cộng đồng.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, các nước Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu dù có nền y tế phát triển nhưng không coi việc đeo khẩu trang là một yêu cầu cần thiết, không triển khai ngay việc cách ly người nghi nhiễm đã dẫn đến số lượng người nhiễm dịch COVID-19 tăng nhanh chóng trong thời gian ngắn. Có thể thấy tại Italy, từ 8.000 người đã lên 16.000 người nhiễm bệnh chỉ trong khoảng ba ngày rưỡi. Trong khi đó, ở Nhật Bản, đất nước thực hiện việc vận động người dân đeo khẩu trang, cách ly ngay từ đầu nên phải 30 ngày thì số ca nhiễm mới tăng từ 100 đến gần 1.000 người.
Về nguồn cung khẩu trang, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh thành phố không thiếu tiền cho công tác phòng chống dịch, đặc biệt không thiếu khẩu trang. Cụ thể, khi học sinh đi học trở lại thì trong thời gian đầu, thành phố sẽ cấp khẩu trang miễn phí. Hiện nay, thành phố cũng đã giao ngành Công thương, Sài Gòn Co.op có trách nhiệm lo đủ khẩu trang cho người dân thành phố. Người dân cần mua khẩu trang thì UBND các phường, xã phải chủ động kết nối với hệ thống cung cấp và phân phối. Kiên quyết không để nhu cầu khẩu trang trở thành nỗi ám ảnh của người dân thành phố.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các đơn vị liên quan, nhất là Sở Công thương phải rà soát kỹ, không để người dân thiếu khẩu trang và không để các cơ sở khẩu trang đẩy giá lên cao. Sắp tới, Sở công thương phải chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp mạnh để giảm thiểu tình trạng này.
“Đối với các trường hợp bị xử phạt vì gom hàng và bán khẩu trang quá cao, phải công khai lên báo đài để răn đe làm gương. Nếu thực tế phức tạp hơn, có thể trao đổi với công an Thành phố để chỉ đạo mở hồ sơ điều tra, xử lý dứt điểm tình trạng này. Thành phố không thể để tình trạng khan hiếm khẩu trang với mục đích trục lợi tiếp tục kéo. Ngoài ra, Sở Công thương cũng cần phối hợp với công an Thành phố có phương án cụ thể để báo cáo lại với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 về kế hoạch phòng chống và hướng xử lý về găm hàng khẩu trang, đẩy giá cao”, ông Phong nói.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năng lực sản xuất của 20 doanh nghiệp (DN) sản xuất khẩu trang trên địa bàn là 2.532.000 cái/ngày. Trong đó, cung cấp cho bệnh viện 241.500 cái/ngày, nhà thuốc 364.000 cái/ngày. Lượng cung cấp cho các tỉnh, thành, hệ thống siêu thị, đại lý bán hàng là 1.926.500 cái/ngày. Vừa qua, Sở cũng đã làm việc với Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh về chuẩn bị nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn, qua đó kết nối Saigon Co.op và các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải với số lượng lớn.
Mới đây, Sở Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương thông tin đến UBND phường, xã; Ban quản lý khu phố, ấp; Ban quản lý chợ truyền thống hướng dẫn người dân, tiểu thương đến các điểm bán lẻ gần nhất của các hệ thống trên để mua khẩu trang vải kháng khuẩn chất lượng, giá cả hợp lý. Trong trường hợp người dân phát hiện các hệ thống phân phối này không cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, đề nghị thông tin về đường dây nóng của Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương qua các số điện thoại: 028 3829 1670 – 0909 495 868 – 0909 495 166 để kịp thời xử lý theo quy định.