Ngày 7/11 tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam”. Đông đảo chuyên gia từ Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự hội thảo.
Báo cáo của Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho thấy lượng rác thải sinh hoạt gia tăng trung bình từ 10 - 12%/năm. Tại TP Hồ Chí Minh mỗi ngày có khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt, còn tại Hà Nội là khoảng 6.400 tấn/ngày. Trong khi đó công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp, tỉ lệ tái chế chưa tới 20%.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho rằng công nghệ chôn lấp chiếm nhiều quỹ đất trong khi quỹ đất đang ngày càng ít, đồng thời hiện còn nhiều nơi áp dụng công nghệ chôn lấp chưa hợp vệ sinh môi trường.
Do vậy, xu hướng và yêu cầu trong thời gian tới là cần áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, tăng cường tái chế chất thải rắn, hạn chế chôn lấp. Trong đó, xu hướng “biến” rác thành năng lượng đang là hướng đi phù hợp, trong khi việc tái chế rác thành các nguyên liệu như phân bón chưa được người dân đón nhận, chỉ phù hợp với số ít địa phương.
Theo bà Lê Thu Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn (thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng), tiềm năng thu hồi năng lượng trong quá trình xử lý chất thải rắn là rất lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức.
Theo nghiên cứu, ước tính tiềm năng thu hồi điện từ rác thải sinh hoạt tại Việt Nam có quy mô công suất từ 254-300/tấn ngày, tương đương với 5 MW điện. Ngoài ra, với các thiết bị thu hồi nhiệt hiện đại có thể tận dụng hầu hết nhiệt năng thải ra để đưa trở lại quá trình sản xuất. Bà Lê Thu Thủy cho biết, Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư năng lượng tái tạo như điện sinh khối, điện rác,…
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đăng ký đấu thầu dự án xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện với nhiều chính sách ưu đãi.
Dự án có công suất 1.000 tấn/ngày, đơn giá xử lý không quá 21 USD/tấn, loại rác tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt của thành phố chưa qua phân loại. Thành phố sẽ ưu tiên những nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện đầu tư và vận hành các dự án đốt rác phát điện tương tự có công suất hơn 1.000 tấn/ngày; ưu tiên tự động hóa của dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn các nước G7; có hệ thống phân loại để thu hồi tái chế trước khi đốt; thiết kế mô-đun bảo đảm khối lượng trong trường hợp khối lượng rác vượt 1.000 tấn/ngày; có phương án tiêu thụ điện năng và sản xuất điện năng.
Đồng thời, ưu tiên các công trình trực tiếp tiếp nhận rác, tất cả các hạng mục có phát sinh mùi đều phải có thiết kế bảo đảm kín; bắt buộc tỷ lệ chất thải rắn thứ cấp phát sinh từ lò đốt rác dưới 10%.