Tổng hợp COVID-19 ngày 5/8: Tăng cường xét nghiệm sàng lọc; giữ an toàn các vùng xanh

Trong ngày 5/8, dư luận quan tâm đến các thông tin nổi bật như: Bình Phước tăng cường xét nghiệm sàng lọc, dập dứt điểm các ổ dịch; Việt Nam ghi nhận 7.244 ca nhiễm mới; giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; nhiều địa phương đã triển khai hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bình Phước tăng cường xét nghiệm sàng lọc, dập dứt điểm các ổ dịch

Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, sáng 5/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu địa phương tăng cường xét nghiệm sàng lọc để phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, dập dứt điểm các ổ dịch còn lại, giữ an toàn các vùng xanh.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến huyện Đồng Phú (thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú). 

Xác định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Bình Dương rất lớn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho biết: "Bình Phước xác định chống dịch không chỉ dừng lại ở "một trận đánh" mà là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài; qua đó có cách tiếp cận thận trọng, cảnh giác, không chủ quan, lơ là, luôn chủ động, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhằm thực hiện đồng loạt các giải pháp để thiết lập vành đai an toàn vững chắc. "Tỉnh Bình Phước cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm phòng, chống dịch trong thời gian qua, tham khảo kinh nghiệm các địa phương khác, phối hợp chặt chẽ với Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu hơn để tình huống đó không xảy ra hoặc không để bị động, bất ngờ, lúng túng", Phó Thủ tướng lưu ý.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Phước cố gắng kiểm soát tốt tình hình, dập dứt điểm các ổ dịch còn lại. Khi đã kiểm soát vững chắc tình hình, tỉnh có thể linh hoạt nới lỏng cục bộ, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh cho người dân trên tinh thần phải bảo đảm an toàn.

Là "vùng xanh" an toàn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Phước quản lý chặt người từ nơi khác đến bằng cách phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, ra từng người", Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng cần được tập huấn, bổ sung thêm người có chuyên môn y tế để nhanh chóng phát hiện người nghi mắc COVID-19, phục vụ truy vết, hỗ trợ y tế cho người dân.

Ngày 5/8, Việt Nam ghi nhận 7.244 ca nhiễm mới

Trong ngày 5/8, tổng cộng Việt Nam đã công bố 7.244 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 7.239 ca ghi nhận trong nước.

Chú thích ảnh
Bố trí nơi ăn nghỉ cho công nhân Công ty cổ phần Thép Việt Nhật trong KCN Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN.

Tính đến chiều ngày 4/8, Việt Nam có tổng cộng 185.057 ca nhiễm trong đó có 2.334 ca nhập cảnh và 182.723 ca mắc trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 181.153 ca, trong đó có 55.266 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19

Ngày 5/8, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản hỏa tốc số 209/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của lịch COVID-19.

Trước đó, ngày 4/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, ý kiến của các đại biểu dự họp và phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã nhanh chóng, kịp thời đề xuất Thường trực Chính phủ về các giải pháp miễn, giảm thuế ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Thưởng trực Chính phủ và các cơ quan tham dự cuộc họp cơ bản nhất trí với các giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 theo đề xuất của Bộ Tài chính tại cuộc họp trên tinh thần: Các giải pháp khi được ban hành cần phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết để có thể thực hiện ngay. Cân nhắc phân tích, đánh giá kỹ tác động giảm thuế thu nhập đối với các đối tượng, về thuế giá trị gia tăng cân nhắc mở rộng đối tượng đảm bảo công bằng, tham vấn thêm ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Thời hạn áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế trước mắt thực hiện trong năm 2021.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.458 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ  ngày 5/8, Quỹ đã tiếp nhận được 8.458 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Số tiền đã chuyển vào Quỹ kể trên do 504.050 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kỳ vọng, Quỹ sẽ huy động sức mạnh toàn dân để tạo nên kỳ tích mới trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch. Trong cuộc chiến với COVID-19, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, kinh phí mua vaccine rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch.

Nhiều địa phương đã triển khai hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19

Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam đã khẩn trương phê duyệt danh sách và chi trả hỗ trợ tiền mặt cho nhóm lao động tự do và các đối tượng đặc thù, kịp thời hỗ trợ người dân bảo đảm cuộc sống.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021 QĐ- TTg tại các địa phương vào ngày 5/8.

Với chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (trên 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động), trong đó, 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía Nam) đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ gần 103.500 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 89,5 tỷ đồng. Trong nhóm 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, đã phê duyệt danh sách hỗ trợ trên 791.000 lao động tự do và 47.200 đối tượng đặc thù; đã chi trả hỗ trợ khoảng 767.000 người, với tổng kinh phí 1.037 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ LĐTBXH cho rằng có sự chậm trễ trong việc triển khai chính sách tại một số địa phương. “Trong số các địa phương làm tốt lại là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Như vậy, không phải do khó khăn là không thực hiện tốt, cho thấy những địa phương dễ nhất thì lại làm không tốt.", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.

Doanh nghiệp chung tay cùng thành phố Hà Nội đẩy lùi dịch COVID-19

Ngày 5/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tiếp nhận hàng hóa và tiền của các doanh nghiệp ủng hộ, chung tay cùng thành phố phòng, chống dịch COVID-19, với tổng giá trị lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ bám sát nguyên tắc ưu tiên, công khai, minh bạch, có vaccine đến đâu sẽ triển khai tiêm ngay đến đấy để từng bước sớm bao phủ miễn dịch trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, đợt ủng hộ lần này có 6 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội đồng ủng hộ 50 máy thở, 50 chiếc monitor theo dõi bệnh nhân, 5 bộ hệ thống Real time PCR, 12.000 bộ kit test COVID-19, 30.000 bộ kit test COVID-19 (của máy tách chiết), 5 bộ micro Pipette đa kênh thay đổi thể tích với tổng trị giá 50 tỷ đồng.

XC/báo Tin tức
Nhiều địa phương đã triển khai hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19
Nhiều địa phương đã triển khai hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19

Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khu vực phía Nam đã khẩn trương phê duyệt danh sách và chi trả hỗ trợ tiền mặt cho nhóm lao động tự do và các đối tượng đặc thù, kịp thời hỗ trợ người dân bảo đảm cuộc sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN