Toàn dân thương tiếc, tiễn biệt

Chiều chủ nhật 6/10, không như bao chiều thu Hà Nội, thời gian như ngừng trôi, còn lòng người như nghẹn lại trước ngôi nhà thân yêu số 30 Hoàng Diệu, nơi gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh sống. Hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mãi ra đi, trước cổng ngôi nhà, mấy ngày nay lúc nào cũng có nhiều người dân đến bày tỏ lòng tiếc thương, có người trắng đêm đứng trước cổng mong tìm lại bóng dáng của Đại tướng. Cảm động trước tấm lòng của đồng bào dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình Đại tướng được sự giúp đỡ của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Đại tướng, đã tổ chức đón khách tới chia buồn.


Những giọt nước mắt tiếc thương Đại tướng.


Từ 14 giờ 30 chiều 6/10, dòng người đến chia buồn với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, cứ mỗi lúc mỗi dài. Rất nhiều người trong số đó đã lặn lội về từ TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Điện Biên… Mỗi người một quê khác nhau nhưng đều có chung một tình cảm kính trọng và vô cùng tiếc thương người Anh Cả của lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam.


Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đến viếng Đại tướng.


Trong số những người xếp hàng dài cả km để mong được vào nhà thắp hương tưởng niệm vị “Đại tướng của nhân dân”, có những cụ già 80 - 90 tuổi. Cũng có cả những em học sinh, sinh viên chỉ biết Đại tướng qua những trang sách lịch sử và lời kể của cha mẹ.


Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan, người phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trong trận không chiến vào ngày 3/4/1965 tại cầu Hàm Rồng, đã khóc khi chia sẻ với PV báo Tin Tức về những ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Người dân không cầm nổi nước mắt.


“Tôi và những đồng đội của mình đã học được rất nhiều từ đạo đức cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là một vị tướng đại tài, kiên quyết trong chỉ đạo, nhưng Đại tướng luôn luôn nghĩ làm thế nào để tiết kiệm tối đa xương máu của chiến sĩ. Với riêng tôi, sau khi bắn rơi máy bay Mỹ (3/4/1965) trở về, bác Giáp đến tận nơi chúc mừng và căn dặn: “Chúng ta phải đánh thắng giặc Mỹ nhiều hơn nữa, nhưng các em, các cháu phải biết giữ gìn lực lượng”, điều đó cho thấy đại tướng Võ Nguyên Giáp rất thương chiến sĩ mình”, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan rơm rớm nước mắt kể lại.


Dù sức khỏe yếu, mắt mờ, chân đi không vững, phải nhờ con gái dẫn đến để mang bó hoa kính viếng hương hồn Đại tướng, ông Phó Đức Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), rưng rưng, nghẹn ngào không nên lời, thầm thì những lời tiễn biệt Đại tướng.


Còn ông Nguyễn Việt Thắng, cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ ngậm ngùi đọc bài thơ do chính ông sáng tác trong giờ phút vĩnh biệt Đại tướng:


"Nhà Đại tướng 30 Hoàng Diệu
Chiều nay rộng cửa đón chào
Trăm quê đau xót tiến vào
Nén nhang kính viếng dâng trào tiếc thương"


Nói rồi nước mắt rưng rưng, ông Thắng kể: "Tôi may mắn được gặp Đại tướng vào tháng 8/2006 tại nhà của Người. Một vị Đại tướng nhân hậu và tình cảm. Khi nghe tin Đại tướng ra đi, biết ngày này sẽ đến nhưng vẫn thấy hụt hẫng và buồn vô cùng".


Nhiều cặp vợ chồng mang cả con nhỏ đến viếng.


Trong số những người dân đầu tiên vào viếng thăm và chia buồn với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi đặc biệt ấn tượng tới gia đình nhỏ của chị Nguyễn Thị Lê Na (25 tuổi), ở Hà Nội. Gia đình chị Na đã đến xếp hàng từ buổi trưa, cả vợ chồng và cậu con trai nhỏ đều mặc đồ đen, rất nghiêm trang. Sau khi thắp hương Đại tướng, chị Na vừa khóc vừa viết dòng cảm tưởng: “Ông ơi, chiều nay con đưa con trai đến thăm viếng Người. Lòng con vô cùng đau đớn. Một nỗi mất mát quá lớn. Người hãy yên nghỉ, thế hệ trẻ của chúng con sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của thời bình”.
Chị Lê Na cho biết: “Tối 5/10, cả gia đình tôi đã khóc sau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất. Lúc đó, tôi có cảm giác buồn vô hạn vì sự mất mát này quá lớn. Vậy nên, chiều 6/10, tôi đưa con trai nhỏ đến từ rất sớm để được vào chia buồn cùng gia đình Đại tướng. Tôi muốn cháu biết rằng đất nước mình đã có một con người vĩ đại như thế”.


Cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Hằng (25 tuổi), Nam Định, cũng có một tình cảm kính trọng, tiếc thương thật đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hằng đã khóc thật nhiều khi xếp hàng, viếng thăm và chia buồn cùng gia đình. Hằng chia sẻ: “Sau khi biết tin Bác Giáp mất, em thấy buồn vô hạn, không hiểu sao nước mắt cứ chảy vòng quanh. Sáng nay, đọc trên mạng Internet thấy người dân được phép vào viếng thăm, chia buồn cùng gia đình Bác Giáp, thế là em lên xe đi ngay, chỉ muốn đi thật nhanh tới 30 Hoàng Diệu để được thắp hương Bác”.


Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Hoàng Văn Tường (28 tuổi) đã lặn lội từ Hà Giang về Hà Nội chỉ những mong được thắp hương tưởng niệm người anh hùng dân tộc. Tường cho biết anh đến Hà Nội từ tối 6/10, sau khi thắp hương Đại tướng, Tường sẽ về Hà Giang ngay. “Tuy là thế hệ 8X nhưng tôi biết rất nhiều về Đại tướng qua những câu chuyện trong chiến đấu cũng như trong đời thường. Tôi đã học tập được ở Bác Giáp về tinh thần làm việc, về đạo đức cao cả, về tinh thần học tập không ngừng…”, Tường chia sẻ.


Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngậm ngùi nói: "Đại tướng là một tấm gương sáng, một con người hết mình vì nhân dân, dân tộc. Ở bên cạnh Đại tướng, chúng tôi học được nghị lực phi thường, là người làm việc không mệt mỏi, có thể nói ngoài thời gian ăn, ngủ thì Người luôn suy nghĩ vì công việc. Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng của đồng bào. Ban đầu, ban tổ chức dự định sẽ ghi từng người vào viếng Đại tướng, nhưng bây giờ điều đó là bất thành bởi hàng nghìn người xếp hàng vào viếng Đại tướng. Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn không chỉ với riêng tôi mà với tất cả người dân Việt Nam. Tôi hi vọng toàn dân Việt Nam, lớp trẻ ngày nay nhìn vào tấm gương của Đại tướng, phấn đấu rèn luyện và cống hiến cho đất nước, thực hiện những điều Đại tướng đã căn dặn".


Lễ viếng Đại tướng kết thúc lúc 18 giờ ngày 6/10. Tuy nhiên, do còn hàng trăm người vẫn xếp hàng, cố mong được vào thắp hương Đại tướng nên gia đình đã quyết định tiếp tục mở cửa đón khách.

 

Thu Trang- Phương Liên

Ảnh: Lê Phú

Vị Đại tướng lúc nào cũng nghĩ đến dân
Vị Đại tướng lúc nào cũng nghĩ đến dân

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba, "người anh cả" của lực lượng vũ trang nhân dân qua đời để lại niềm xúc động khôn nguôi trong lòng mỗi người dân đất Việt, từ những cựu chiến binh từng có thời gian làm việc cùng Đại tướng, đến những người dân bình thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN