Thu hút trẻ em bằng những video nhảm nhí
Hiện nay, nhiều nền tảng xã hội có quy định về việc ăn chia tiền từ quảng cáo với người dùng, nhất là những người sản xuất thông tin. Cụ thể, YouTube quy định điều kiện bắt buộc để được nhà cung cấp bật nút kiếm tiền là mỗi kênh phải đạt 1.000 người đăng ký trở lên và 4.000 giờ xem trong 12 tháng.
Điều này khiến các Youtuber ra sức lôi kéo người xem, không từ một cách thức nào, thậm chí sẵn sàng tung những thông tin nhảm nhí, có hại.
Đây là một trong các lý do khiến các video có nội dung nhảm nhí, phản cảm, đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các nền tảng số xuyên biên giới. Chủ nhân của những tài khoản này thường xuyên giở những chiêu trò, bất chấp dư luận, hậu quả về chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội, thậm chí cố tình “xé rào” quy định pháp luật miễn sao đạt được mục đích đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem, trong đó có nhiều kênh xác định nhắm vào đối tượng trẻ em.
Điều này được phản ánh rõ qua sự việc Youtuber Thơ Nguyễn đăng tải clip “xin vía học giỏi” bị dư luận lên án vì đã chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan. Trước áp lực dư luận, chủ kênh Youtuber Thơ Nguyễn đã phải ẩn video, đóng kênh và bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng. Theo các chuyên gia an toàn thông tin mạng, chủ kênh Thơ Nguyễn nổi lên từ năm 2017 khi đăng tải clip “làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ” và bị chỉ trích là phản cảm. Sau đó, chủ kênh liên tục có những clip mập mờ, phản cảm hướng vào đối tượng trẻ em.
Tương tự, nhiều Youtuber khác cũng đăng tải các nội dung phản cảm. Cuối năm 2020, kênh YouTube Hưng Vlog từng đăng tải nội dung trộm heo đất của em, hay trước đó là nấu cháo gà nguyên lông… Dù bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt nhưng kênh Hưng Vlog vẫn sản xuất các video nội dung nhảm nhí và 2 lần bị xử lý trong năm 2020. Theo thống kê, kênh Hưng Vlog với 3 triệu người theo dõi có thể thu về số tiền ít nhất khoảng 350 triệu đồng mỗi tháng (theo ước tính của SocialBlade - chuyên trang thống kê độc lập về các nền tảng mạng xã hội và YouTube). Ðiều này phần nào lý giải việc dù bị cộng đồng phản ứng, bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt nhưng nhiều chủ kênh vẫn tiếp tục sản xuất, công bố các video có nội dung nhảm nhí, phản cảm, thậm chí kích động bạo lực…
Bên cạnh đó, còn hàng loạt kênh khác như NTN Vlogs với các nội dung không lành mạnh: “Đóng giả khủng bố IS để quăng bom”, Thả 100 con dao nhọn từ trên cao xuống đất…; kênh PHD Troll với nhiều clip phản cảm, lãng phí như "Đổ 200 quả trứng vào đầu người lạ", "Ăn sống cua hoàng đế"...; kênh ẩm thực Tam Mao làm thịt chim lạ, ngược đãi động vật, nấu cháo gà nguyên lông…; Prank HD chia sẻ các nội dung giật gân như “Hút thuốc lá bằng mũi”, “24h sống trong quan tài”...
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên các nền tảng; trong đó, 15.000 kênh thu tiền quảng cáo, 350 kênh có hàng triệu người theo dõi. Xu hướng này càng nở rộ.
Hậu quả nghiêm trọng
Mới đây, chị H (Hà Nội) đưa con gái 15 tuổi đến khám tại bệnh viện Nhi Trung ương với một tâm trạng lo lắng. Chị chia sẻ: "Con tôi thời gian gần đây trầm tính, ít nói, không thích giao tiếp với ai, chỉ biết làm bạn với chiếc điện thoại, sức học giảm sút rõ rệt khi không thể học được cả ngày ở trường. Quá lo lắng nên tôi đưa con đến gặp bác sĩ và biết con mình đã bị trầm cảm do vào mạng xã hội chơi game, xem kênh youtube xấu độc…"
Clip TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương trao đổi về tác hại thông tin xấu độc tác động tới trẻ em:
Không chỉ vậy, những hình ảnh mang tính hướng dẫn “thử thách” gây ra những hậu quả khôn lường. Năm 2020, dư luận bàng hoàng trước sự việc một bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bắt chước trò chơi treo cổ theo clip trên mạng xã hội; khi gia đình phát hiện đưa trẻ vào bệnh viện cấp cứu thì đã quá muộn. Hay vụ bé trai 9 tuổi ở Phú Thọ bắt chước clip trên YouTube nuốt chiếc kìm bấm móng tay vào bụng; may mắn cháu bé này được phát hiện và cứu chữa kịp thời…
PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia tâm lý cho biết: Lứa tuổi trẻ em tiếp thu kiến thức thụ động, chưa biết phân biệt đúng sai, thậm chí thấy đông người tán đồng là hưởng ứng theo đám đông. Nhiều nội dung cứ lặp đi lặp lại khiến các em cho rằng đúng và bắt chước. Nhiều nội dung xấu độc dễ gây nghiện, dễ khiến con người rời xa cuộc sống thực. Không chỉ trẻ em, với nhiều người lớn, thông tin liên tục và quá lớn vào một thời điểm khiến nhiều người khó phân biệt đúng sai, gieo rắc sự nghi ngờ, thiếu niềm tin.
TS.BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Giai đoạn gần đây, Khoa Sức khoẻ vị thành niên đã gặp một số trường hợp trẻ dùng mạng xã hội quá mức như: Truy cập, xem các video không phù hợp lứa tuổi, thời gian sử dụng quá dài… dẫn đến các rối loạn khá trầm trọng. Thậm chí có những trường hợp trẻ bị tái phát nhiều lần. Khi vào viện, có trẻ đã có các biểu hiện hành vi kích động, rối loạn lo âu, trầm cảm… Ở những trẻ này, do phát hiện muộn, gia đình không kiểm soát được việc sử dụng internet của trẻ ngay từ đầu, nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn”.
Theo đó, khó khăn nhất khi điều trị các trường hợp trẻ bị ảnh hưởng bởi các nội dung xấu trên mạng thường là khi trẻ đã mắc những bệnh lý tâm thần tương đối nặng như: Trầm cảm, kích động, có những ý tưởng, hành vi tự huỷ hoại bản thân… Một số trường hợp trẻ đã nghiện sử dụng internet lâu nên việc rất điều trị khó khăn, kéo dài.
“Hiện nay, các video độc hại tồn tại rất nhiều trên mạng với các nội dung: Bạo lực, tình dục… mà trẻ chưa thể tiếp nhận, gây ra những tác động tai hại; ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ và có thể dẫn tới các rối loạn về tâm lý. Nếu trẻ tiếp nhận các nội dung này trong thời gian kéo dài có thể ảnh hưởng đến các mối giao tiếp trong xã hội như: Trẻ hạn chế chơi với bạn bè, bố mẹ; ảnh hưởng đến học tập vì khi trẻ xem rất dễ bị cuốn vào, thậm chí nghiện xem các video độc hại, có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng sức khoẻ, chán học, bỏ học… Đặc biệt, trẻ dễ bị dẫn đến mắc các bệnh lý tâm thần như: Trầm cảm, kích động, rối loạn hành vi… Thậm chí những video có tính kích động bạo lực dễ khiến trẻ dễ học theo, dẫn đến hành vi tự huỷ hoại bản thân, tự sát… Hậu quả sẽ vô cùng đáng tiếc nếu không can thiệp kịp thời”, TS.BS Ngô Anh Vinh cảnh báo.
Bài cuối: Triệt vòi bạch tuộc