“Nhân dân đang cần chúng ta đến, thì bất luận có hy sinh cũng phải đến”
Cũng trong sáng 16/10, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm, làm việc đột xuất với Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
Chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh lực lượng vũ trang Quân khu 4 đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp cứu trợ người dân miền Trung ứng phó, khắc phục hậu quả đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất từ đầu năm đến nay.
Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về Đoàn công tác làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, cho biết, Đoàn công tác lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ nhóm 17 công nhân của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích do lũ quét trong bối cảnh nhiều khu vực bị cô lập, đường đi hết sức khó khăn.
Đến thời điểm 21 giờ ngày 12/10, do thời tiết xấu, tuyến đường độc đạo bị sạt lở nên đoàn dừng dân tại khu vực Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. Khoảng 0 giờ 15 phút sáng 13/10, lũ ống bất ngờ ập đến cuốn đi 13 người, 8 người khác thoát khỏi khu vực sạt lở.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh xúc động nhắc lại câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, người chỉ huy Đoàn công tác làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế): “Nhân dân đang cần chúng ta đến, thì bất luận có hy sinh cũng phải đến”.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh cũng cho biết: Sau khi sự cố xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân khu 4 đã huy động trên 600 cán bộ, chiến sỹ tìm kiếm các cán bộ, chiến sỹ mất liên lạc. Đến 19h29 ngày 15/10 thi thể 13 người trong Đoàn công tác bị mất tích đã được tìm thấy.
Hiện nay, Bộ Tư lệnh đã hoàn chỉnh các thủ tục để đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công; đề nghị Chủ tịch nước xét tặng Huân chương; đề nghị Bộ Quốc phòng thăng quân hàm, nâng lương trước niên hạn cho các đồng chí đã hy sinh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trước tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu kiên cường của lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ Bộ Quốc phòng và các lực lượng của Quân khu 4 trong việc thực hiện nhiệm vụ cứu trợ và trước những mất mát và hy sinh to lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Quân khu 4 là một trong 6 quân khu của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng, vừa là hậu phương lớn trong kháng chiến, vừa là tiền tuyến trực tiếp chống kẻ thù xâm lược. Đây cũng là nơi đào tạo ra nhiều tướng lĩnh xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao việc Quân khu 4 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, giữ vững an ninh - trật tự trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền nơi đóng quân; duy trì và giữ vững tình quân dân thắm thiết, bền chặt.
Nhấn mạnh đến tinh thần "Tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân, sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu dân, giúp dân khi người dân gặp hoạn nạn", nhất là ở các địa bàn thường xuyên diễn ra thiên tai, thảm họa như tại Quân khu 4, Thủ tướng đánh giá cao các thành tích của Quân khu 4 trong việc thực thi nhiệm vụ này, mà mới đây là việc cứu hộ các thuyền viên bị kẹt trên chiếc tàu gặp nạn do mưa bão tại biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị), để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân.
Thủ tướng khẳng định, trong việc triển khai Đoàn công tác cứu hộ cứu nạn tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Quân khu 4 đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Thủ tướng Chính phủ; đã huy động mọi lực lượng tối đa để kịp thời ứng cứu người dân gặp nạn do lũ lụt. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, thành lập Đoàn công tác và các thành viên của đoàn đã dũng cảm vượt mưa lũ, bùn đất, trong bối cảnh địa hình bị chia cắt mạnh do sạt lở; sẵn sàng “trong thời bình đổ máu để cứu nhân dân”.
Thủ tướng cho rằng sự việc Đoàn công tác dũng cảm hy sinh là mất mát to lớn, tổn thất nặng nề của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, rất đáng được ghi nhận. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cử cán bộ vào tận hiện trường chỉ huy, huy động mọi lực lượng, phương tiện dân sự, quân sự, hàng không để tìm kiếm những người mất tích…
Nhân dịp này, thông qua Tư lệnh Quân khu 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp hỗ trợ 13 gia đình có người thân là thành viên Đoàn công tác đã hy sinh trong sự cố tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua, mỗi gia đình 10 triệu đồng, để chia sẻ với nỗi mất mát to lớn. Thủ tướng cũng tặng quà động viên lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 4 đang tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ
Ngày 16/10/2020, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện gửi các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Toàn văn Điện như sau: "Trong những ngày vừa qua, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân. Đặc biệt, tại Thừa Thiên Huế đã xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng làm 13 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ của Đoàn công tác tìm kiếm cứu nạn và nhiều công nhân ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 bị nạn, hy sinh, mất tích. Đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt.
Thường trực Ban Bí thư gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các tỉnh khu vực miền Trung đang phải trải qua và chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình, thân nhân các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ và công nhân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Cho đến nay, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt.
Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của tình hình mưa bão, nhất là trên Biển Đông đang hình thành áp thấp nhiệt đới có thể thành bão, tiếp tục gây mưa lớn ở các tỉnh miền Trung, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu:
Ban thường vụ tỉnh ủy các tỉnh nơi xảy ra thiên tai, bão lũ, lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị vận động đồng bào, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Phát huy mạnh mẽ phương châm 4 tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các cơ quan chức năng tập trung tham gia khắc phục hậu quả bão lũ; khẩn trương tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; bình tĩnh ứng phó mọi tình huống, bảo đảm an toàn cao nhất về người và phương tiện cứu hộ; kịp thời chăm lo, hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ban cán sự đảng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tăng cường cao nhất công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tham gia khắc phục hậu quả bão lũ.
Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân huy động các lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở, huy động và phân bổ các nguồn lực một cách phù hợp, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung.
Bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan Trung ương và các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, đơn vị chỉ đạo thực hiện các hoạt động khắc phục sớm nhất các hậu quả thiên tai".
Tìm thấy thêm một thi thể công nhân
Trưa 16/10, lực lượng cứu hộ cứu nạn và người dân địa phương đã tìm thấy thêm một thi thể công nhân tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, đồng thời đánh dấu vị trí phục vụ công tác tìm kiếm. Hiện thi thể nạn nhân đang được đưa ra ngoài để làm thủ tục xác định danh tính, sau đó sẽ bàn giao cho gia đình mai táng.
Theo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước diễn biến thời tiết tiếp tục có mưa lớn, việc triển khai hướng tiếp cận đường thủy từ lòng hồ Thủy điện Hương Điền để lên Thủy điện Rào Trăng 3 đã phải tạm dừng. Việc mở đường 71 từ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền lên Thủy điện Rào Trăng 3 vẫn đang tiếp tục.
Vụ sạt lở đất ngày 12/10 tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 người mất tích, đến nay đã tìm thấy hai thi thể. Hiện nay, ở Thủy điện Rào Trăng 3 có 8 công nhân sống sót, an toàn, đang bám trụ với sự tiếp tế lương thực của lực lượng cứu hộ. Khi lực lượng tìm kiếm được tăng cường mở đường vào, những người này sẽ phối hợp để xác định vị trí chính xác khu vực có công nhân gặp nạn.
Trong sáng 16/10, Đoàn công tác của Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã về xã Phong Xuân, huyện Phong Điền để nắm tình hình và chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.
Hiện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục chỉ đạo việc huy động lực lượng, phương tiện để khai thông tuyến đường 71, mở lối vào khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nhằm tổ chức tìm kiếm 16 công nhân mất tích. Còn theo hướng đường thủy, lực lượng của Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục vượt lòng hồ thủy điện Hương Điền để vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu vào khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4.
Lực lượng chức năng sử dụng các phương tiện đường thủy để tìm kiếm người mất tích trên lòng hồ và khu vực bị sạt lở ở Nhà máy hủy điện Rào Trăng 3.
Chấn chỉnh công tác quản lý người nhập cảnh trong các khu cách ly tập trung
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vừa có Công điện số 1640/CĐ-BCĐ gửi Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý người nhập cảnh trong các khu cách ly tập trung.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, trong thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là các chuyên gia từ Liên bang Nga, Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là vấn đề thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với các chuyên gia tại các cơ sở cách ly chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số địa phương.
Việc quản lý các trường hợp nhập cảnh còn lỏng lẻo, có hiện tượng người từ bên ngoài vẫn có thể vào khu cách ly và tiếp xúc với người đang cách ly dẫn đến nguy cơ làm lây nhiễm mầm bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương mục tiêu kép của Chính phủ và thành quả phòng, chống dịch của cả nước.
Để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh, đặc biệt là đối với các trường hợp là chuyên gia vào Việt Nam làm việc, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan ra cộng đồng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.
Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 trước khi làm thủ tục nhập cảnh đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo đúng các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.
Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh không để lây nhiễm trong thời gian thực hiện cách ly và tại các cơ sở cách ly. Đặc biệt lưu ý không cho phép người không có nhiệm vụ vào khu vực cách ly và tiếp xúc với người đang thực hiện cách ly, người đang cách ly không được ra khỏi khu cách ly và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sau khi kết thúc thời gian thực hiện cách ly tập trung, tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát y tế, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và yêu cầu các trường hợp nhập cảnh hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân.