Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 5/1, Thường trực Ban Bí thư đã có công điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng; đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vaccine phòng bệnh chưa được sử dụng rộng rãi, đã xuất hiện các chủng mới của virus có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn trước. Tại Việt Nam, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, nguy cơ ca nhiễm xâm nhập và gây lây lan trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, do nguyện vọng của đồng bào ta từ nước ngoài trở về nước đón Tết Tân Sửu 2021 rất lớn. Vừa qua, ở một số nơi đã có biểu hiện lơ là, chủ quan, không áp dụng và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của cấp trên và khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong thời điểm hết sức quan trọng này, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đón Tết Nguyên đán Tân Sửu an toàn, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Ban cán sự đảng Chính phủ, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy quản lý chặt chẽ xuất, nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh, vượt biên trái phép gây ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng; quản lý chặt chẽ các địa bàn, phát hiện kịp thời những trường hợp xâm nhập trái phép. Điều tra, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên trái phép, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
3. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nơi lưu trú theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp cách ly đối với các trường hợp nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly và lây lan từ khu cách ly ra cộng đồng.
4. Hạn chế tổ chức các sự kiện đông người; hạn chế tổ chức các lễ hội; có giải pháp phòng, chống dịch đối với các khu phố đi bộ, các khu vui chơi tập trung đông người, hoạt động bắn pháo hoa…; quản lý chặt chẽ các khu vực chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các quán bar, karaoke, vũ trường; thực hiện việc kiểm tra và xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.
5. Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy đảng trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở các cơ sở khám, chữa bệnh; sớm phát hiện ca nhiễm (nếu có), khẩn trương thực hiện việc truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập tắt ổ dịch; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc men cho tình huống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch.
6. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để người dân có người thân ở nước ngoài chủ động vận động người thân không nhập cảnh trái phép, chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép.
7. Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt, tại cơ sở tiếp tục phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ, nâng cao sức khoẻ của bản thân và cộng đồng.
8. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ban cán sự đảng Bộ Y tế, ban cán sự đảng, đảng đoàn các bộ, ngành chỉ đạo toàn ngành thực hiện chế độ công tác với tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Ban cán sự đảng Bộ Y tế sớm có phương án về việc hợp tác với nước ngoài sản xuất, mua vaccine của nước ngoài, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước, báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn phòng Trung ương Ðảng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nắm tình hình triển khai thực hiện và báo cáo Ban Bí thư về kết quả thực hiện công văn này”.
Ngày 5/1, Việt Nam có thêm 7 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 5/1, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh.
Ca bệnh 1498 (BN1498) tại Hà Nội: Nam, 21 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ca bệnh 1499 (BN1499) tại Hà Nội: Nữ, 62 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường 5, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 21/12, các bệnh nhân trên từ Hoa Kỳ nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN415, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 4/1, các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 9 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Hà Nội.
Ca bệnh 1500 (BN1500) tại Hồ Chí Minh: Nam, 36 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Anh. Ngày 2/1, bệnh nhân từ Dubai nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay QR392, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 4/1, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Ca bệnh 1501 (BN1501) tại Bến Tre: Nam, 21 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ngày 21/12, bệnh nhân từ Philippines nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VJ2527, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Bến Tre. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 4/1, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Ca bệnh 1502 (BN1502) tại Hải Dương: Nam, 21 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ca bệnh 1503 (BN1503) tại Hải Dương: Nam, 26 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Ca bệnh 1504 (BN1504) tại Hải Dương: Nữ, 29 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Ngày 29/12, các bệnh nhân trên từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Vân Đồn trên chuyến bay VN311, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Hải Dương. Kết quả xét nghiệm lần ngày 4/1, các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Trước đó trên chuyến bay này đã ghi nhận 1 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại Hải Dương.
Tính đến 18 giờ ngày 5/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Hà Nội xử lý nghiêm vụ để người rời khu cách ly mới nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2
Sở Y tế Hà Nội vừa họp khẩn xử lý vụ việc tại huyện Chương Mỹ đã để lọt một ca mắc COVID-19 khi chưa có kết quả xét nghiệm đã được rời khu cách ly; đồng thời siết chặt công tác cách ly phòng dịch.
Chiều 5/1, Sở Y tế Hà Nội đã họp rà soát, chấn chỉnh hoạt động tại các khu cách ly tập trung sau khi xảy ra sự việc một du học sinh sau khi rời khu cách ly mới nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: “Sở Y tế Hà Nội đã có biện pháp xử lý với những người liên quan đến sự việc. Việc ký xác nhận cho người cách ly được về nhà khi chưa có kết quả xét nghiệm âm tính là không đúng quy định. Sở Y tế Hà Nội đang khẩn trương thực hiện xử lý về công tác cán bộ và truy xét các đối tượng để cách ly theo quy định”.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác ông Tạ Văn Thiềng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ vì để xảy ra sự việc. Đồng thời, giao Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ tiếp tục rà soát các cán bộ có liên quan để xử lý.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, sự việc xảy ra được cho là do nhầm lẫn kết quả xét nghiệm gây ra. Cụ thể, Hà Nội hiện đang thực hiện xét nghiệm gộp mẫu với 5 mẫu/lần xét nghiệm. Trước đó, ngày 2/1, có 89 mẫu xét nghiệm lần 2 tại khu cách ly tập trung ở Trung đoàn 59 (Sư đoàn 301 ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được chuyển đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để xét nghiệm; trong đó có 84 mẫu có kết quả âm tính và 1 mẫu gồm 5 mẫu gộp cho kết quả nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã giữ lại 5 mẫu này để xét nghiệm lại và gửi trả lại khu cách ly kết quả 84 mẫu âm tính.
Tuy nhiên, khi tiếp nhận các mẫu xét nghiệm được trả lại, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã ký giấy nhận đủ 89 mẫu âm tính. Vì vậy, ông Tạ Văn Thiềng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã ký giấy hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho cả 89 người này, trong đó có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là bệnh nhân Đ.T.N (22 tuổi, du học sinh từ Mỹ trở về Việt Nam; quê ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).
Cũng ngày 5/1, Sở Y tế Hà Nội đã ký văn bản số 05 về rà soát chấn chỉnh các cơ sở cách ly, đặc biệt với các Trung tâm y tế để siết chặt công tác cách ly phòng dịch.
Bắt giữ 31 người vượt biên trái phép tại biên giới Lai Châu
Rạng sáng 5/1, tại khu vực biên giới huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã bắt giữ 23 lao động vượt biên trái phép vào Việt Nam.
Chiều cùng ngày, cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu, tiếp nhận 8 trường hợp vượt biên trái phép được phía Công an Trung Quốc bắt giữ và trao trả. Tất cả các trường hợp đều được đưa đi cách ly phòng dịch COVID-19.
Trong 23 trường hợp vượt biên trái phép bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu bắt giữ thì Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu bắt giữ 7 trường hợp, Huổi Luông 14 trường hợp, Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng 2 trường hợp.
Ngay sau khi tiếp nhận 31 trường hợp trên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra y tế, phun khử khuẩn hành lý cá nhân, lập biên bản, hoàn chỉnh hồ sơ và đưa đi cách ly phòng, chống dịch theo quy định.
Tuyên truyền chống phá Nhà nước, Phạm Chí Dũng bị tuyên phạt 15 năm tù
Ngày 5/1, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo: Phạm Chí Dũng 15 năm tù, Nguyễn Tường Thụy 11 năm tù, Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù, cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc các bị cáo truy nộp lại khoản tiền nhuận bút được xác định là tiền thu lợi bất chính, đồng thời phạt quản chế 3 năm tại địa phương đối với mỗi bị cáo sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Hội đồng xét xử nhận định, tại phiên tòa dù các bị cáo không thừa nhận hành vi của mình là phạm tội nhưng đã khai nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng đã truy tố. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Theo Hội đồng xét xử, hành vi chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng. Các bị cáo là những người có trình độ văn hóa, nhận thức pháp luật nhưng với tư tưởng bất mãn nên đã cố tình phạm tội. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo mức án nghiêm khắc như trên để răn đe và phòng ngừa, giáo dục chung.
Đây là vụ án làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Việt Nam do ba bị cáo Phạm Chí Dũng (sinh năm 1966 tại Hà Nội, cư trú tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tường Thụy (sinh năm 1950 tại Nam Định, cư trú tại Hà Nội), Lê Hữu Minh Tuấn (sinh năm 1989 tại Đắk Lắk, cư trú tại Quảng Nam) thực hiện, với mục đích tuyên truyền, xuyên tạc, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ năm 2014, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thường xuyên tiếp xúc các đối tượng, tổ chức có tư tưởng bất mãn về chính trị trong và ngoài nước. Từ đó, Dũng nảy sinh tư tưởng bất mãn với chính quyền nên đã khởi xướng thành lập cái gọi là “Hội nhà báo độc lập Việt Nam". Sau khi thành lập hội, Phạm Chí Dũng giữ vai trò Chủ tịch hội, Nguyễn Tường Thụy làm Phó Chủ tịch. Cơ cấu tổ chức của hội này gồm Văn phòng hội, Ban sự kiện và đào tạo, Ban truyền thông, Ban cải cách thể chế, Ban quan hệ quốc tế, Chi hội miền Bắc (Nguyễn Tường Thụy phụ trách), Chi hội miền Trung, chi hội miền Nam và Chi hội hải ngoại.
Phạm Chí Dũng chỉ đạo Đoàn Thị Phương Thảo (hiện ở nước ngoài) tạo lập trang web và blog “Việt Nam Thời Báo” do Dũng quản trị, tiếp nhận và duyệt đăng thông tin, bài viết của mình, của hội viên và của các cộng tác viên. Để thực hiện việc điều hành trang web, blog trên, Dũng chỉ đạo Lê Hữu Minh Tuấn và Đoàn Thị Phương Thảo trực tiếp quản trị, quản lý kỹ thuật và thực hiện việc đăng tải các thông tin, bài viết sau khi được Dũng duyệt. Để tăng lượng truy cập 2 trang web, blog trên, Dũng chỉ đạo lập và sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook (giao cho Nguyễn Tường Thụy phụ trách và duyệt nội dung), Twitter, Youtube... đặt cùng tên “Việt Nam Thời Báo” và các tài khoản Facebook cá nhân để quảng bá các nội dung, thông tin bài viết của “Hội nhà báo độc lập Việt Nam".
Dũng trực tiếp quản lý nguồn tiền hoạt động của hội, thực hiện việc chi tiền nhuận bút cho các hội viên, cộng tác viên và chi cho các hoạt động khác của hội. Dũng ban hành "Quy chế quản lý tài chính - Kế toán" và đăng tải trên các trang mạng xã hội, kêu gọi các hội viên, đối tượng, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp tiền tạo quỹ hoạt động cho hội. Dũng lập ra các dự án truyền thông gửi các tổ chức phi chính phủ để nhận tài trợ. Ngoài ra, Dũng còn chủ động liên hệ gửi bài viết, làm cộng tác viên cho các trang tin điện tử, truyền thông nước ngoài và đã nhận nhuận bút với số tiền là hơn 75.000 USD và hơn 1.000 Bảng Anh.
Đối với các tin, bài viết của hội viên có tính thời sự về tình hình ở Việt Nam được dư luận xã hội và các đối tượng quốc tế quan tâm, Dũng quy định tiền nhuận bút cho mỗi tin là 100.000 đồng, mỗi bài viết từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Đến năm 2018, Dũng điều chỉnh tiền nhuận bút cho mỗi bài viết lên từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Tổng cộng, Phạm Chí Dũng đã nhận hơn 477 triệu đồng từ hội (gồm tiền thù lao trách nhiệm và tiền nhuận bút); Nguyễn Tường Thụy đã nhận tổng cộng hơn 300 triệu đồng từ hội, trong đó có 180 triệu đồng là tiền nhuận bút. Còn Tuấn được Dũng chuyển cho tổng cộng hơn 1,4 tỷ đồng; trong đó có 423 triệu đồng là tiền nhuận bút của Tuấn, còn lại là tiền nhuận bút của các hội viên.
Tính từ ngày 4/7/2014 đến 21/11/2019, 2 trang web và blog “Việt Nam Thời Báo” đã đăng tải hơn 23.500 bài viết, trong đó Dũng viết và đăng tải khoảng 1.530 tin bài, Nguyễn Tường Thụy 245 tin bài và Minh Tuấn 534 tin bài. Qua giám định, cơ quan chức năng xác định có 25 bài viết của Phạm Chí Dũng, 5 bài viết của Nguyễn Tường Thụy và 6 bài viết của Lê Hữu Minh Tuấn có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.