Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3):

Tìm nguồn dự trữ thuốc chống lao ổn định

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, nếu không tìm được nguồn dự trữ thuốc phòng chống lao ổn định, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ rất gần của việc thiếu thuốc trầm trọng, trong khi đây là căn bệnh có nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất lớn và khó có thể lường hết hậu quả.


Phập phù nguồn dự trữ


Dù bệnh lao là một trong những bệnh xã hội được Nhà nước đầu tư kinh phí để điều trị, phòng chống, nhưng xem ra việc thiếu thuốc phòng chống lao vẫn luôn “lơ lửng” trên đầu ngành y tế.

Công tác tuyên truyền phòng, chống lao cho người dân cần được duy trì thường xuyên. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình phòng, chống lao quốc gia (CTPCLQG), có nguyên nhân khách quan của vấn đề này, đó là thuốc điều trị lao là loại thuốc đặc biệt, thị trường tiêu thụ lại không lớn, nên các nhà sản xuất không sản xuất đại trà, mà thường phải đặt hàng trước. “Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo các nước có tình hình dịch tễ lao phức tạp như Việt Nam cần phải dự trữ thuốc điều trị lao, ít nhất là trong 1 năm”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết.


Dù biết rõ nguy cơ có thể thiếu thuốc điều trị, nhưng trên thực tế, do thiếu kinh phí nên chỉ có năm 2009 là Việt Nam đảm bảo được nguồn thuốc dự trữ đủ điều trị trong vòng 1 năm. Còn những năm sau đó, lượng thuốc dự trữ đã giảm dần và đến năm 2013 thì thuốc dự trữ đã hết. “Theo tính toán của CTPCLQG, nếu không có sự hỗ trợ, đầu tư đặc biệt thì tất cả các loại thuốc điều trị lao sẽ hết vào tháng 6/2014”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.


Hiện tại, để giải quyết “nguy cơ trước mắt” này, WHO đã đồng ý hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam một lượng thuốc chống lao đủ điều trị trong vòng 1,5 năm. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này kèm theo điều kiện Việt Nam phải đảm bảo kinh phí mua thuốc trong một năm và không được để tình trạng thiếu thuốc điều trị tái diễn.


“Thế nhưng, năm nay, do tình hình kinh tế chung nên ngân sách cấp cho CTPCLQG giảm mạnh, từ 114 tỷ năm 2013 xuống còn 63 tỷ năm 2014 (giảm 50%). Trong khi đó, riêng nhu cầu ngân sách để mua thuốc chống lao cho khoảng 100.000 bệnh nhân điều trị mỗi năm đã hết khoảng 117 tỷ đồng. “Hiện nay, ngân sách từ CTPCLQG cũng chỉ có thể mua được 3 tháng thuốc điều trị; còn thiếu khoảng 70 tỷ đồng để mua thuốc cho những tháng còn lại. Chúng tôi đã báo cáo với Bộ Y tế nhiều lần về việc này, lãnh đạo ngành cũng rất quan tâm và cho biết: Sẽ bố trí kinh phí từ nguồn viện trợ để CTPCLQG có thể mua đủ thuốc điều trị trong 1 năm, đúng như điều kiện mà WHO đưa ra”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay.


Giải pháp lâu dài


Như vậy, về cơ bản, Việt Nam sẽ có đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân lao cho đến năm 2015 từ nguồn tài trợ của WHO và đã có kinh phí cho 1 năm tiếp theo từ kinh phí của Nhà nước. Nhưng đây cũng chỉ là “chuyện của từng năm” và việc tìm một giải pháp lâu dài vẫn đang khiến những người trong cuộc đau đầu.

Điều trị cho bệnh nhân lao tại trạm y tế xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: “Nếu các cấp, các ban ngành thực hiện đúng Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chiến lược phòng chống lao - PV), mà Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 17/3/2014, thì nguồn lực cho công tác phòng, chống lao sẽ được đảm bảo; chúng ta sẽ sớm xây dựng được cơ chế cung ứng thuốc điều trị lao bền vững”.


Việt Nam đứng thứ 12/22 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14/27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao.

Trong Chiến lược phòng, chống lao đã nêu rõ, công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị. Vì tầm quan trọng của việc thanh toán bệnh lao, Nhà nước sẽ đảm bảo nguồn lực cho hoạt động này thông qua sự đầu tư đa nguồn: Ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và nguồn viện trợ, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Trong đó, UBND các cấp có trách nhiệm bố trí đủ ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống lao tại địa phương, cùng với nguồn ngân sách trung ương được hỗ trợ hàng năm.


Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, bên cạnh sự đầu tư về nguồn lực của các địa phương như Chiến lược phòng, chống lao đề ra, việc đảm bảo hoạt động cung ứng thuốc nói riêng và công tác phòng, chống lao nói chung từ nguồn quỹ BHYT cũng giữ vai trò rất quan trọng. Do đó, CTPCLQG đang nỗ lực phối hợp với các ban ngành, nhất là Vụ BHYT, Bộ Y tế để hướng tới việc xây dựng chính sách mở rộng quyền lợi cho bệnh nhân lao, đồng thời bảo đảm kinh phí hoạt động và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh.


“Chúng tôi đang đề xuất, tới đây, ở mọi tuyến điều trị, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% viện phí cho bệnh nhân lao. Nếu cơ quan BHYT chấp thuận việc tạm ứng trước 1 năm mua thuốc chống lao cho CTPCLQG thì việc cung ứng thuốc chống lao cũng sẽ đảm bảo lâu dài”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.


Phương Liên

Không để thiếu thuốc điều trị bệnh lao

Ngày 21/3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN