Tiền Giang: Khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở nghiêm trọng

Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ kênh rạch trên địa bàn huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) đang xảy ra nghiêm trọng và diễn biến khó lường, phức tạp.

Chú thích ảnh
Điểm sạt lở bờ Đông kênh 28 (ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành). 

Tính từ đầu năm đến nay, địa phương đã xảy ra 41 điểm sạt lở mới, ảnh hưởng đến việc đi lại và tài sản cũng như an toàn của người dân.

Nghiêm trọng nhất là tuyến kênh 28 (qua địa phận các xã Đông Hòa Hiệp, Hậu Thành, Hậu Mỹ Phú… của huyện Cái Bè) với nhiều điểm sạt lở có tổng chiều dài khoảng 3.760 m ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và nhà cửa của 1.350 hộ dân đang sinh sống ven kênh; đe dọa 810 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Ghi nhận thực tế tại tuyến kênh 28, nhiều đoạn đường giao thông dọc theo hai bên bờ kênh đã bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn hàm ếch ăn sâu vào đường giao thông, nguy cơ đổ sụp xuống kênh. Có đoạn, sạt lở làm mất gần như toàn bộ mặt đường, gây gián đoạn giao thông, làm khó khăn cho người dân trong việc đi lại và ảnh hưởng đến đời sống.

Bà Huỳnh Kim Phụng (ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành) cho biết, đoạn sạt lở bờ Đông kênh 28 xảy ra cách đây khoảng 3 tháng, chiều dài gần 30 m khiến gần nửa mặt đường giao thông trải nhựa phẳng phiu đã đổ xuống kênh và đang có nguy cơ sạt lở tiếp trong thời gian tới. Việc đi lại của người dân khó khăn, không đảm bảo an toàn. Gia đình bà có nhà nằm trong khu vực sạt lở này nên rất lo lắng.  

Chú thích ảnh
Điểm sạt lở bờ Đông kênh 28 (ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành). 

Theo ông Trần Hữu Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Thành (huyện Cái Bè), toàn tuyến kênh 28 qua địa bàn xã hiện có đến 20 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 200 m, trong đó có 11 điểm đã khắc phục xong, còn lại 9 điểm cần được sự hỗ trợ của huyện, tỉnh để khắc phục. Trước mắt, xã đặt biển cảnh báo hạn chế giao thông khu vực sạt lở nguy hiểm để người dân biết và chủ động phòng, tránh.

Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp, ngành tích cực rà soát, kiểm tra, phân loại mức độ ưu tiên và đề xuất phương án khắc phục, xử lý sạt lở. Những điểm sạt lở nhỏ do xã đầu tư khắc phục, điểm lớn hơn do cấp huyện đầu tư và các điểm phức tạp kiến nghị tỉnh hoặc Trung ương hỗ trợ. Địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về việc chủ động ngăn ngừa sạt lở thông qua việc trồng cây chắn sóng, chắn gió, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi; kiên quyết xử lý các trường hợp xây cất xâm hại hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, lấn chiếm bờ sông, bờ kênh rạch...

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đàm Thanh Tuyến cho biết, đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư khắc phục sạt lở các điểm nghiêm trọng của bờ kênh 28 từ nguồn kinh phí Trung ương bổ sung trong năm 2023. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ triển khai đầu tư kè chống sạt lở tại 10 điểm cấp bách trên tuyến kênh 28 trong đó có 8 điểm tại xã Đông Hòa Hiệp, một điểm tại xã Hậu Thành, một điểm tại xã Thiện Trung. Đây là những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất dọc theo hai bờ kênh 28. Hiện, đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024 nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, giảm nhẹ thiên tai.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông tại Thừa Thiên - Huế
Khẩn trương khắc phục sạt lở bờ sông tại Thừa Thiên - Huế

Mưa lớn kéo dài trong 10 ngày qua tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khiến tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp hơn, đe dọa đến cuộc sống và sản xuất của nhiều hộ dân ở khu vực ven sông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN