Các thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Đà Nẵng, Cà Mau (tỉnh Cà Mau) tia cực tím đạt mức cao và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ở mức trung bình. Từ 11-13 giờ là khoảng thời gian tia cực tím thường có nguy cơ gây hại rất cao.
Dự báo từ ngày 10-12/9, tia cực tím ở các thành phố miền Bắc đều có nguy cơ gây hại rất cao. Các thành phố miền Trung có nguy cơ bị gây hại cao gồm tại Huế (Thừa Thiên-Huế) vào ngày 10-11/9 và tại Đà Nẵng ngày 10/9; nguy cơ gây hại trung bình và dưới trung bình tại Huế (Thừa Thiên-Huế) vào ngày 12/9, tại Đà Nẵng vào ngày 11-12/9 và Hội An, Nha Trang vào ngày 10-11/9. Với các thành phố miền Nam, nguy cơ gây hại cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vào các ngày 10 và 12/9, Cần Thơ vào ngày 11-12/9, Cà Mau vào ngày 12/9; còn lại đều có nguy cơ gây hại trung bình.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ số tia cực tím cao nhất là 11+ (quá cao) có thể gây bỏng nếu tiếp xúc trực tiếp, liên tục trong 10 phút; chỉ số mức 8-10 (rất cao) có thời gian gây bỏng là 25 phút tiếp xúc liên tục; mức cao là khi chỉ số ở mức 6-8.
Bức xạ tia cực tím là một thành phần của ánh nắng mặt trời, trong đó, tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA của tế bào da. Khi tiếp xúc quá nhiều dưới ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ngoài ảnh hưởng trên da, tia cực tím còn có thể gây các vấn đề cho mắt.
Khi ra nắng, các biện pháp chống nắng cần thiết như sử dụng kem chống nắng có quang phổ rộng, nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi bạn tiếp xúc với nắng để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da, đeo kính mắt có tác dụng chống tia cực tím, đội mũ, quần áo chống nắng cũng như cần uống đủ nước, ăn rau củ quả tươi, có thể bổ sung nước khoáng, nước ép trái cây giàu vitamin...