Chiều 23/1, tại Hà Nội, đại diện Vụ Lao động – Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước báo cáo, tổng hợp số liệu tình hình tiền lương 2012 và thưởng tết năm 2013. Tổng số có 11.678 doanh nghiệp đã báo cáo năm 2012 (tương đương 3% số doanh nghiệp đang hoạt động), với hơn 2,2 triệu người lao động (chiếm16% số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp).
Báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy mặc dù trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2012 gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung tiền lương năm 2012, tiền thưởng Tết của người lao động năm 2013 vẫn tiếp tục ổn định, vẫn có chiều hướng tăng so với năm trước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo đều có kế hoạch thưởng tết dương lịch cho người lao động với mức thưởng bình quân chung khoảng 1,1 triệu đồng/người (bằng khoảng 1/3 tháng lương), tăng khoảng 18% so với Tết dương lịch 2012 (bình quân 930 nghìn đồng/người). Mức thưởng bình quân trong từng loại hình doanh nghiệp là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khoảng 1,3 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước khoảng 1,9 triệu đồng/người. Doanh nghiệp dân doanh khoảng 622 nghìn đồng/người. Doanh nghiệp FDI khoảng 1,2 triệu đồng/người.
Người có mức thưởng cao nhất tại doanh nghiệp FDI ở thành phố Hồ Chí Minh khoảng 624,2 triệu đồng. Ngược lại, một số doanh nghiệp do khó khăn không thưởng Tết dương lịch cho người lao động.
Về thưởng Tết âm lịch, các doanh nghiệp báo cáo trong kế hoạch đều có kế hoạch thưởng Tết âm lịch, với mức thưởng bình quân cho người lao động khoảng 3,5 triệu đồng/người (bằng ¾ tháng lương), tăng khoảng 8,7 % so với Tết âm lịch năm 2012 (bình quân 3,22 triệu đồng). Mức thưởng bình quân trong các loại hình doanh nghiệp là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu khoảng 4,6 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước khoảng 4,7 triệu đồng/người. Doanh nghiệp dân doanh khoảng 2,5 triệu đồng/người. Doanh nghiệp FDI khoảng 3,3 triệu đồng/người. Người có mức thưởng cao nhất theo kế hoạch tại doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai khoảng 650 triệu đồng. Trong số các doanh nghiệp báo cáo đều có kế hoạch thưởng Tết âm lịch cho người lao động.
Cũng theo số liệu tổng hợp chung, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp ước đạt 4,3 triệu đồng/tháng, tăng 12% so với năm 2012 (3,84 triệu đồng/tháng). Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu ước đạt 5,8 triệu đồng/ tháng. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước ước đạt 5,5 triệu đồng/thán Doanh nghiệp dân doanh ước đạt 3,6 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp FDI ước đạt 3,8 triệu đồng/tháng.
Để bảo đảm quyền lợi, ổn định đời sống của người lao động trong điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp khó khăn, góp phần ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có văn bản gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị tập trung yêu cầu doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp với các tổ chức công đoàn cơ sở có phương án thưởng, hỗ trợ người lao động trong dịp Tết Nguyên đán; tiếp tục rà soát, nắm tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia bảo hiểm xã hội đối với người lao động; tập trung giải quyết các trường hợp doanh nghiệp doanh nghiệp bị giải thể, phá sản; ưu tiên giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật; vận động các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp quan tâm, chăm lo đời sống người lao động, nhất là số lao động ngoại tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất do điều kiện khó khăn không thể về quê ăn Tết… Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nắm tình hình, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Phúc Hằng