Thực hiện nghiêm quy định '3 tại chỗ', tăng cường phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt tại huyện Kim Sơn đã xuất hiện ca mắc trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình đã đề nghị các địa phương, các ngành, các đơn vị thuộc ngành Y tế tăng cường giám sát dịch, phát huy tốt vai trò của Tổ phòng, chống COVID cộng đồng và các ứng dụng khai báo y tế điện tử trong việc phát hiện người có tiền sử đi về từ huyện Kim Sơn. 

Chú thích ảnh
Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân trong khu vực phong tỏa huyện Kim Sơn. Ảnh: Đức Phương/TTXVN

Theo đó, đối với người về từ vùng cách ly y tế tại huyện Kim Sơn, mốc rà soát từ 0 giờ ngày 15/8/2021, đối với người về từ khu vực áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg tại huyện Kim Sơn, mốc rà soát từ 0 giờ ngày 27/8/2021; tiến hành rà soát, tổ chức cách ly y tế tập trung 14 ngày kể từ ngày áp dụng biện pháp cách ly và tiếp tục cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú thêm 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Các trường hợp này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 của giai đoạn cách ly tập trung và lần 4 vào ngày thứ 14 của giai đoạn cách ly tại nhà hoặc bất cứ khi nào bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong quá trình cách ly.

Đối với người về từ khu vực áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg, mốc rà soát từ 0 giờ ngày 27/8/2021, thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày kể từ ngày áp dụng biện pháp cách ly và tự theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày sau khi hoàn thành cách ly; lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 14 của giai đoạn cách ly tại nhà hoặc bất cứ khi nào bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh trong quá trình cách ly.

Người ở huyện Kim Sơn hàng ngày đi lại làm việc ở huyện, thành phố khác hoặc ngược lại, phải có giấy xác nhận hiện đang làm việc của cơ quan, đơn vị cấp; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên còn hiệu lực (dưới 72 giờ kể từ thời điểm xét nghiệm). Trường hợp đơn vị chủ quản người lao động cam kết quản lý người lao động, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch tại đơn vị, người lao động tuân thủ các quy định phòng, chống dịch có thể đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp xem xét việc chấp thuận thời gian làm xét nghiệm từ 7 đến 10 ngày/lần. Người và phương tiện vận chuyển cung ứng thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch phải được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh hoặc cấp huyện cấp văn bản cho phép người và phương tiện ra vào vùng dịch để cung cấp hàng hóa.

*Ngày 30/8, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của các huyện, thành thị trong tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, nêu cao tinh thần cảnh giác, không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, nhất là các chốt kiểm soát người và phương tiện vào tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, không tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân trong tỉnh không tổ chức gặp mặt, liên hoan trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9; không tập trung quá 30 người nơi công cộng (ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện); tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán nhậu, quán cafe, giải khát...) thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn, mỗi bàn không quá 4 người, khuyến khích bán hàng mang về trong 4 ngày nghỉ Lễ. Các khu vực, địa phương đang phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định hiện hành. Sau Lễ Quốc khánh 2/9, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có kế hoạch tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao như: cơ sở y tế, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, nhà ga tàu lửa, bến tàu, nơi tụ tập đông người... để kịp thời  phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn.

*Ngày 30/8, Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết, 2.000 lao động của 12 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” đều âm tính với virus SARS-CoV-2 qua 4 lần xét nghiệm.

Trước đó, ngày 28/8, 16 đội lấy mẫu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang và các sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho tất cả người lao động đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” của 12 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phương pháp thực hiện là gộp 10 mẫu thành 1 để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” phải xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần, bằng phương pháp RT-PCR, đồng thời phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 100% người lao động. Đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã rà soát, đề xuất và được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh công nhận phương án “3 tại chỗ” của 12 doanh nghiệp, với 2.000 người lao động đang làm việc tại chỗ.

Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết, qua đánh giá bước đầu thực hiện phương án “3 tại chỗ”, với bộ tiêu chí đánh giá tạm, được quy định chặt chẽ, hầu hết các doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm túc, đảm bảo biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thành lập các đoàn kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những mặt còn hạn chế trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Đức Phương - Phước Tuệ - Hữu Chí (TTXVN)
Hỗ trợ lao động thực hiện ‘3 tại chỗ’ tiền ăn 1 triệu đồng/người
Hỗ trợ lao động thực hiện ‘3 tại chỗ’ tiền ăn 1 triệu đồng/người

Để bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa, nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN