Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác đưa người lao động của tỉnh tham gia làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua triển khai, bình quân mỗi năm tỉnh Vĩnh Long đưa từ hơn 500 đến gần 2.000 lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong hai năm gần đây, công tác xuất khẩu lao động của tỉnh gặp nhiều khó khăn, số lượng lao động sang các nước làm việc giảm đáng kể.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long lưu ý, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 ở các nước dần được kiểm soát, nhu cầu sử dụng nhân lực rất lớn. Đây là cơ hội, cũng là thách thức đối với tỉnh, đòi hỏi sự chuẩn bị tốt về công tác đào tạo nguồn để nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn. Do đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chế độ, chính sách, quyền lợi, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia.
Các ngành liên quan, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, tác phong tốt, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ; đồng thời tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa các doanh nghiệp sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề để có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu mới về việc làm của các nước; khuyến khích người lao động tích cực học tập, luôn trong tư thế sẵn sàng để khi thị trường “mở cửa” sẽ đủ điều kiện để tham gia xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ban đầu cho người dân có đủ điều kiện xuất khẩu lao động, giúp họ yên tâm đi làm việc và thực hiện nghiêm các quy định trong quá trình lao động ở các nước. Ngoài ra, các ngành, địa phương cần chú trọng vận động người lao động có thể tự tạo việc làm sau khi kết thúc hợp đồng; xây dựng kế hoạch, định hướng thị trường, chính sách thu hút và sử dụng lao động để phát huy kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động sau khi trở về từ các nước. Đồng thời, các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, doanh nghiệp tuyển lao động nhưng vẫn đảm bảo các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TƯ, Vĩnh Long có 6.372 trường hợp tham gia xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững ở địa phương; đồng thời nâng cao trình độ tay nghề và tác phong công nghiệp cho nhiều lao động. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện chính sách đặc thù cho vay vốn hơn 71 tỷ đồng đối với người đủ điều kiện xuất khẩu lao động, nhằm tạo điều kiện cho người lao động thực hiện các thủ tục ban đầu. Tỉnh cũng quan tâm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động đến tư vấn, tuyển dụng tại địa phương theo quy định, góp phần thu hút nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.