Thúc đẩy công nghệ xanh trong năng lượng tái tạo - Bài cuối: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức to lớn do tác động của biến đổi khí hậu đối trong phát triển bền vững, đe dọa sự tồn vong của trái đất, các quốc gia trên thế giới đều đặt mình trong bối cảnh biến đổi khí hậu để lựa chọn con đường phát triển bền vững, phát thải carbon thấp với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 - Điều này cho thấy năng lượng có vai trò quan trọng sống còn đối với phát triển kinh tế- xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường cơ chế phối hợp và đối thoại, không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện mặt trời Sao Mai - An Giang. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã tiếp xã giao bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Việt Nam (USAID) và ông BT Tee, Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng. 

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh đến mục tiêu tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021 mới diễn ra và cho biết biện pháp quan trọng của Việt Nam để phát triển năng lượng tái tạo là ứng dụng khoa học và công nghệ. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm đến đầu tư ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ xanh để giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ, Bộ đặc biệt quan tâm đến các chương trình khoa học và công nghệ để phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, tập hợp đội ngũ những nhà khoa học và có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong chương trình liên quan đến năng lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng quan tâm đến việc tích trữ năng lượng, các động cơ điện dùng nguyên vật liệu mới, sao cho hiệu suất động cơ điện cao hơn, nguồn tích trữ năng lượng tốt hơn, do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn có sự kết nối, hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty trong và ngoài nước để phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Việt Nam nhận thấy nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong thời gian tới bởi Việt Nam hiện ưu tiên phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính. USAID và Informa Markets mong muốn cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chương trình hợp tác theo những mục tiêu ưu tiên để thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Liên quan đến thúc đẩy hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức Nguyễn Minh Vũ mới đây đã làm việc với Großmann Ingenieur Consult GmbH (GICON®) và Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) để thúc đẩy hợp tác phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Ông Jochen Grossmann, Chủ tịch GICON® cho biết với lợi thế đường biển dài hơn 3.200 km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển năng lượng gió. Vì vậy, GICON® nhấn mạnh sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi, nội dung hợp tác này, phù hợp với thế mạnh của Việt Nam, qua đó đóng góp vào việc cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu cũng như tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Ngoài ra, VPI và GICON® sẽ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới ở Việt Nam với mục tiêu sản xuất hydro bằng nước biển; sử dụng công nghệ sinh học và điện phân nước để chuyển hóa sinh khối thành methane sinh học…

Nhiều tiềm năng hợp tác

Hiện nay, Việt Nam ưu tiên phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính. Theo báo cáo của Bộ Công thương trong 6 tháng đầu năm 2021, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 11,4% tổng sản lượng điện của Việt Nam và có xu hướng ngày càng tăng. Về điện gió, có 9 trang trại điện gió đang vận hành tại Việt Nam với tổng công suất 304,6 MW và Việt Nam đang dẫn đầu ASEAN trong chuyển đổi năng lượng, vì vậy Việt Nam còn nhiều tiềm năng hợp tác để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, công nghệ sạch trong năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi năng lượng, vấn đề chính sách đặt ra rất quan trọng và phụ thuộc vào sự hợp tác nhiều bên, do vậy việc đẩy mạnh hợp tác, kết nối các nhà đầu tư giúp Việt Nam có thể tham khảo về chính sách để phát triển năng lượng tái tạo.

Tại phiên đối thoại trực tuyến "Chuyển đổi năng lượng Berlin năm 2021" với chủ đề "Thiết kế thị trường thông minh cho chuyển đổi năng lượng toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã chia sẻ và đề xuất các chính sách, những ưu tiên nhằm thúc đẩy hợp tác trong phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia. Việt Nam đang ưu tiên phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát thải khí nhà kính. 

Hiện nay, thị trường phát điện và bán buôn điện cạnh tranh từng bước được hình thành, các nhà máy điện đã và đang có thể chào giá cạnh tranh trong môi trường minh bạch và bình đẳng, một quá trình tái cơ cấu ngành điện (phân tách giữa yếu tố độc quyền tự nhiên và yếu tố cạnh tranh) đang được thực hiện nhằm hướng đến sự hình thành của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn đơn vị cung cấp điện.

Việt Nam cũng đang thực hiện lộ trình lưới điện thông minh để từng bước hiện đại hóa lưới điện, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý lưới điện, chú trọng thúc đẩy sự phát triển của nguồn điện phân tán, nguồn điện năng lượng tái tạo quy mô nhỏ và sự tham gia tương tác của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý và điều chỉnh phụ tải điện. Việt Nam đã chủ động triển khai các công nghệ tự động hóa nhằm tích hợp số lượng lớn các nguồn điện tái tạo không điều khiển được như điện gió, điện mặt trời vào hệ thống. Ngoài ra, Việt Nam đang dành các khoản đầu tư lớn cho lĩnh vực năng lượng, tái cơ cấu toàn diện ngành năng lượng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển ngành năng lượng theo xu hướng mới trong phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để nâng cao hiệu suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn và năng lượng tái tạo, thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

HL (TTXVN)
Thúc đẩy công nghệ xanh trong năng lượng tái tạo- Bài 2: Làm chủ công nghệ - đảm bảo an ninh năng lượng
Thúc đẩy công nghệ xanh trong năng lượng tái tạo- Bài 2: Làm chủ công nghệ - đảm bảo an ninh năng lượng

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 26 mới diễn ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN