Tại Bệnh viện Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã thăm hỏi, động viên và gửi tiền hỗ trợ của Bộ Y tế cho người nhà bệnh nhân đang điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Hiện vẫn chưa có kết luận rõ ràng, tuy nhiên cũng có một số yếu tố nghi ngờ là thuốc gây tê. Trước khi có kết luận chính xác đối với loại thuốc này chúng ta phải phân tích về độ an toàn, có độc chất hay tạp chất trong thuốc không? Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã niêm phong 120 lọ thuốc gây tê còn lại và gửi mẫu đi kiểm nghiệm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng thành phố nhanh chóng làm các xét nghiệm để có kết quả nhất sớm nhất phục vụ công tác thẩm định, đánh giá của hội đồng chuyên môn về nguyên nhân tử vong của những trường hợp này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy chưa phải là lớn nhưng một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng tốt.
"Chúng tôi nghĩ rằng nếu quy kết do thuốc thì chúng ta phải chờ chứng cứ khoa học, đánh giá về độ an toàn của thuốc và mất khoảng một tuần mới có kết quả. Còn đánh giá về tạp chất, hiện Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đang yêu cầu phía công ty cung cấp chất chuẩn, dựa trên chất chuẩn mới biết được trong đó có tạp chất hay không, sớm nhất khoảng 1 - 2 tháng mới có thể kết quả chính xác", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế có hệ thống đánh giá về phản ứng có hại của thuốc. Nhiệm vụ của các đơn vị y tế khi thấy có phản ứng có hại của thuốc phải kịp thời gửi báo cáo về Trung tâm phản ứng tác hại của thuốc (Bộ Y tế). Từ đó, Trung tâm sẽ dựa trên những dữ liệu đó để có khuyến cáo phù hợp.