Thu hồi chì phế thải – lợi cả đôi đường

Làng nghề tái chế chì Đông Mai (Văn Lâm - Hưng Yên) là một trong những làng nghề có mức thu nhập khá, với 61/529 hộ thu gom, số lao động tham gia trên 500 người. Do không có các biện pháp quản lý sản xuất tốt cũng như thiết bị xử lý ô nhiễm chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định hiện hành, nên đất, nước và không khí của làng nghề bị ô nhiễm khói bụi chì, nước thải axít trầm trọng.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, hàm lượng chì thải ra ở Đông Mai khá cao. Trong nguồn nước, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7,7 đến 15 lần. Trong không khí gấp 4.600 lần so với tiêu chuẩn cho phép... Do nhiễm độc chì từ nước và khí thải, 100% số người trực tiếp nấu chì đều bị nhiễm độc chì trong máu.

Là người con của làng nghề tái chế chì Đông Mai, hơn ai hết, chị Tạ Thị Tấn - Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Thiên hiểu được nỗi khó khăn, vất vả khi người dân phải đối mặt với bệnh tật cũng như môi trường ô nhiễm của nghề "đồng nát" vì cuộc sống mưu sinh. Không chỉ tham gia tái chế như bao gia đình khác, bản thân chị được đào tạo nghề y tá, từng có thời gian tham gia công tác tại Trạm y tế xã Chỉ Đạo nên chị Tấn hiểu được nguyên nhân gây ra bệnh tật cho người dân địa phương do ô nhiễm chì mang lại.


Nấu cô đúc nhôm chì từ phế thải tại làng nghề tái chế kim loại huyện Mỹ Hào, Hưng Yên gây ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động và môi trường. Ảnh: Lê Phú


Ngay từ năm 1991, chị Tấn đã có ý tưởng thu khói lò khi nấu chì. Tuy nhiên thời điểm đó không có mặt bằng sản xuất, vả lại tiền vốn không nhiều nên đành gác lại mọi dự định đầu tư. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, năm 2000, được sự hỗ trợ của các nhà khoa học Viện Khoa học công nghệ Việt Nam giúp một số hộ nấu chì trong làng đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, khí SO2 và CO2 lại không được xử lý triệt để như mong muốn ban đầu.

Năm 2003, sau khi mua được mảnh đất tại khu đường tàu, cách xa khu dân cư, chị bắt tay vào xây dựng nhà xưởng và chạy thử nghiệm công nghệ. Bằng kinh nghiệm nấu chì lâu năm cộng với thời gian làm việc trong ngành y và tìm hiểu nhiều công nghệ khác nhau... năm 2004, chị Tấn đã thử nghiệm thành công hệ thống xử lý khói lò với khả năng thu hồi 100%. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều người dân trong làng học cách làm theo. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước thử nghiệm ban đầu. Năm 2006, một lần nữa, người phụ nữ nông dân này lại tiếp tục thử nghiệm thành công hệ thống xử lý khí thải. Từ đây đã mở ra hướng đi mới để Công ty TNHH Ngọc Thiên quyết định xin đất để đầu tư hệ thống xử lý chất thải trong sản xuất chì. Mặc dù ắc quy chì axít thải là một chất thải nguy hại nhưng khi tái chế thì vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu là ắc quy thải, vừa thu hồi được các sản phẩm như: Chì, nhựa... Qua đó, làm giảm mức độ khai thác tài nguyên thiên nhiên, kéo dài tuổi thọ của các mỏ chì.

Hệ thống xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động tái chế của công ty đáp ứng được yêu cầu của loại chất thải cần xử lý, hiệu quả xử lý cao. Nước thải sau xử lý được quay vòng sử dụng lại; bụi chì trong dòng khí thải cũng được thu hồi do vậy giảm thiểu đáng kể lượng chất ô nhiễm phát tán vào môi trường.

Đánh giá công nghệ phù hợp của quy trình tái chế ắc quy chì axít tại Công ty TNHH Ngọc Thiên, các nhà khoa học trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét: Quy trình công nghệ tái chế ắc quy chì của Công ty TNHH Ngọc Thiên như là một ví dụ để làm cơ sở cho đánh giá công nghệ phù hợp lĩnh vực tái chế thu hồi chì và đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả tái chế. Các kết quả cho thấy, hiệu suất thu hồi các sản phẩm tái chế cao chì và nhựa đạt tương ứng 77,7% và 100%. Tính phù hợp của công nghệ cũng được khẳng định do các thiết bị máy móc trong nước, giá thành thấp chỉ bằng khoảng 60 -75% giá nhập ngoại, khả năng thay thế dễ dàng. Về môi trường hệ thống xử lý nước thải và khí thải của công ty hoạt động khá hiệu quả, các chất thải được tái sử dụng đã giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực tới môi trường. Lợi ích kinh tế với lợi nhuận khoảng 13 tỷ đồng/năm. Đây là công nghệ tái chế có nhiều tính ưu việt, đáp ứng được yêu cầu về mặt công nghệ, kỹ thuật, kinh tế và môi trường, có thể phổ biến áp dụng rộng rãi.

Chia sẻ thành công của mình, chị Tấn cho biết, vừa qua, sau khi xem xét kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại của Công ty, Tổng cục Môi trường đã chấp nhận việc Công ty TNHH Ngọc Thiên triển khai vận hành thử nghiệm các phương tiện, thiết bị chuyên dùng xử lý chất thải nguy hại cũng như các công trình bảo vệ môi trường tại Xưởng xử lý ắc quy chì phế thải và tái chế nhựa, kim loại màu. Đây là niềm vui không chỉ đối với chị mà đối với cả làng nghề Đông Mai, bởi những nỗ lực cố gắng của chị đã được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, tạo điều kiện để công nghệ tiên tiến áp dụng vào cuộc sống, giúp giải quyết ô nhiễm môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Hiện nay, mỗi tháng, Công ty TNHH Ngọc Thiên thu gom 600 tấn ắc quy, trong đó thu được 300 tấn chì, giải quyết việc làm cho trên 100 công nhân tại địa phương. Mặc dù đối tượng lao động ở trình độ học vấn chưa cao, tuy nhiên với hệ thống máy móc, thiết bị của Công ty khá đơn giản, thuận tiện, do vậy người công nhân có thể làm chủ được máy móc và các quy trình sản xuất.

Thành Hiển 

Ô nhiễm môi trường làng nghề
Ô nhiễm môi trường làng nghề

Trong nhiều năm qua, sự phát triển làng nghề trên cả nước đã tạo động lực to lớn góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế... Tuy nhiên, hệ lụy của phát triển làng nghề đã để lại nhiều hậu quả mà vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN