Do đó, cần thiết xây dựng mô hình thực hiện trách nhiệm bồi thường Nhà nước theo hướng tập trung, tức là việc giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước do một cơ quan chuyên trách đảm nhiệm.
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tư pháp đưa ra khi đề cập đến những bất cập của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau 6 năm luật chính thức có hiệu lực.
“Chờ được vạ má đã sưng”
Đây là cách nói ví von của nhiều người khi đề cập đến nỗi vất vả, nhiêu khê khi phải tham gia kiện bồi thường bởi thủ tục rườm rà. Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) thừa nhận, theo quy định người bị hại phải chứng minh được thiệt hại xảy ra thế nhưng, trong chứng minh thiệt hại thì luật lại nêu rất chung chung. Vì vậy, hầu hết các vụ việc đều quá thời hạn theo luật định. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục thẩm định chi trả tiền bồi thường còn quá rườm rà. “Nhiều cơ quan phải thẩm định, rồi cuối cùng mới đến Bộ Tài chính và ngay cả Bộ Tài chính trước khi ban hành quyết định để chi trả số tiền ấy lại thẩm định một lần nữa. Điều này dẫn đến thời gian bồi thường kéo dài”, ông Nguyễn Văn Bốn chia sẻ.
Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) (ngồi giữa), Nhà nước đã phải chi ngân sách bồi thường trên 7,2 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Công Long, Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm, các tài liệu, giấy tờ làm căn cứ chứng minh thiệt hại trong việc xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ gây cản trở cho người bị thiệt hại thực hiện quyền của mình nếu như cơ quan Nhà nước chậm ban hành hoặc không ban hành văn bản xác định hành vi của cán bộ công chức là trái luật.
Điển hình như vụ ông Phan Văn Lá (Long An) đã 21 năm làm “bị can” nhưng đến nay chưa được bồi thường do các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường. Hay vụ ông Nguyễn Văn Thêm kiện đòi cơ quan điều tra Công an huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bồi thường oan hơn 3,8 tỷ đồng nhưng chưa được giải quyết vì chưa có đủ điều kiện khởi kiện với lý do là trong hồ sơ khởi kiện của ông Thêm chưa có văn bản nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, do quy định về trách nhiệm bồi thường không hợp lý, nhất là việc giao cho cơ quan tố tụng đã làm oan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, tạo ra hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Khi xem xét đến thiệt hại và mức độ bồi thường thiệt hại cho người dân, cơ quan Nhà nước thường né tránh, đùn đẩy, kéo dài việc giải quyết bồi thường. Luật cũng mới chỉ quy định đến việc xác định các thiệt hại vật chất trực tiếp từ hành vi có lỗi của cơ quan Nhà nước, chưa tính toán đến các thiệt hại và cơ sở xác định thiệt hại về tinh thần hoặc những thiệt hại khác phát sinh từ thiệt hại trực tiếp do hành vi có lỗi của cơ quan Nhà nước. “Chính vì thế, các yêu cầu đòi bồi thường Nhà nước nếu có thì mức bồi thường thường không cao và tâm lý của người dân là ngại đối đầu với cơ quan Nhà nước”, ông Nguyễn Công Long nhấn mạnh.
Giao cơ quan chuyên trách thực hiện bồi thường
Trước thực tế này, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Thúy Hiền đề xuất giao cho cơ quan chuyên trách đại diện Nhà nước thực hiện giải quyết bồi thường. Theo đó, khi phát sinh quyền yêu cầu bồi thường Nhà nước, người bị thiệt hại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan chuyên trách giải quyết yêu cầu của mình. Trường hợp hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc người bị thiệt hại không đồng ý với kết luận của cơ quan chuyên trách thì có thể khởi kiện ra Tòa án. Cơ chế này sẽ giải tỏa tâm lý cho cả người bị thiệt hại và cơ quan quản lý người thi hành công vụ, đồng thời việc quản lý Nhà nước về công tác bồi thường được thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp hơn.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng việc xây dựng mức hoàn trả bồi thường đủ sức răn đe nhưng không khiến cán bộ công chức e ngại là điều rất quan trọng. Bởi nếu quy định hoàn trả 100% sẽ khiến cán bộ công chức không dám đưa ra quyết định vì sợ phải bồi thường. “Tuy nhiên, có nhiều biện pháp khác còn hiệu quả hơn. Chẳng hạn, đối với một số cán bộ, công chức phải tạm dừng công tác vì lỗi sai phạm sẽ có tác dụng răn đe hơn là hoàn trả một số tháng lương nhất định”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết.