Cụ thể, từ 10 giờ đến 13 giờ ngày 6/9, chỉ số tia cực tím tại các thành phố ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao gồm: Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức 8.8, thành phố Hải Phòng 8.3, Thủ đô Hà Nội 9; thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) và thành phố Cần Thơ đều ở mức 7.3, riêng thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức 9.5.
Dự báo từ ngày 7-9/9, chỉ số tia cực tím cực đại tại các tỉnh, thành phố ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao (7 - 10), Nam Bộ giảm xuống ngưỡng trung bình đến cao (4 - 6) vào ngày 9/9.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Người dân cần lưu ý nhiệt độ dự báo và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Ngày 6/9, chỉ số nóng bức (Heat - Index) tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có chỉ số nóng bức ở mức 41-54 (mức nguy hiểm), người dân có khả năng say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài dưới nắng nóng.
Chỉ số nóng bức được xếp theo 5 cấp độ: dưới 27 là an toàn, 27-32 là cẩn trọng, 32-41 là đặc biệt cẩn trọng, 41-54 là mức nguy hiểm, trên 54 là cực kỳ nguy hiểm.
Theo nhiều chuyên gia y tế cho biết, tia cực tím là nguyên nhân lớn gây nên các tình trạng sạm da, tàn nhang, lão hóa...nghiêm trọng hơn, khi tiếp xúc với nắng có chỉ số tia cực tím cao còn có thể gây đục thủy tinh thể và ung thư da. Để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt, người dân khi làm việc ngoài trời nắng cần trang bị đồ dùng chống nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…luôn đảm bảo đủ nước uống, trái cây, rau củ chứa nhiều vitamin C, vitamin A để nâng cao đề kháng.