Vụ sản xuất đông xuân 2010 - 2011, vựa lúa Ayunhạ nằm trên địa bàn 3 huyện, thị xã: Ayunpa, Ia Pa và Phú Thiệnm của tỉnh Gia Lai, trúng mùa cả về diện tích và năng suất với tổng sản lượng đạt hơn 70.000 tấn thóc. Bà con nông dân phấn khởi bởi thóc lúa đầy kho, song trớ trêu thay sản phẩm không bán được, vì giá quá thấp không đủ bù chi phí đầu vào. Không ít hộ lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Kho lúa của gia đình chị Lê Thị Thành ở tổ dân phố 13, thị trấn Phú Thiện hiện còn hơn 7 tấn thóc. Số thóc này không phải chị để dành mà không thể bán được vì giá quá thấp. Nhiều thương lái đến hỏi nhưng chỉ mua với giá từ 6.200 đồng/kg đến 6.300 đồng/kg - mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua. Từ tháng 3/2011, gia đình chị thu hoạch xong 1,5 ha lúa nước 2 vụ, thu 12 tấn thóc và chị đã bán bớt đi 6 tấn với giá 6.600đ/kg. Tuy vẫn bị lỗ, nhưng chị không còn cách nào khác là phải bán đi một phần để có tiền mua phân bón chăm sóc cho vụ sau và trang trải cuộc sống gia đình. Hàng ngày đều có thương lái đến hỏi mua lúa, nhưng chỉ với giá rất thấp, lại còn ghi nợ đến vài ba chục ngày sau mới trả, có thương lái còn hẹn khi nào bán được thóc cho các chủ vựa mới trả tiền cho nông dân... Người dân thì lo sợ "mất cả chì lẫn chài" nên cũng không dám bán.
Ở thị trấn Phú Thiện có nhiều hộ còn rất nhiều lúa tồn kho, có những hộ từ đầu vụ đến nay không bán được hạt nào và đang mong giá nhích lên rồi mới bán. Trong khi giá lúa tụt giảm kéo dài thì thời vụ chăm sóc vụ mùa lại đến cận kề, thêm khó khăn chồng chất cho nông dân. Bà con phải mua chịu thuốc trừ sâu, phân bón để chăm sóc cho lúa, chịu lãi suất 3% với các chủ hàng. Đó là chưa kể những hộ vay vốn ngân hàng đến thời kỳ trả nợ, đành phải vay nóng để trả cho ngân hàng và lo cho con cái học hành. Ông Đoàn Ngọc Thiếp - người dân tổ dân phố 13, thị trấn Phú Thiện cho biết: Nhà tôi trồng 2ha lúa nước và đã thu hoạch trong vụ đông xuân vừa qua được 20 tấn lúa. Sau khi thu hoạch xong đã hơn 3 tháng nay, nhà tôi chưa dám bán một lượng lúa nào vì giá không đủ chi phí cho đầu vào. Không có tiền, tôi đã mua chịu ở các cửa hàng 15 triệu đồng tiền phân để chăm bón cho lúa vụ mùa, và phải chịu lãi suất hơn 500.000 đồng/tháng.
Thị trấn Phú Thiện là một trong những vùng trọng điểm lúa trong vùng tưới Ayunhạ, với diện tích gần 1.500ha. Trong vụ sản xuất đông xuân vừa qua, toàn thị trấn đã thu hoạch đạt sản lượng khoảng 12.000 tấn lúa, bình quân mỗi ha đạt năng suất bình quân 8 tấn - cao nhất trong vùng. Với sản lượng lúa này, bà con để lại sử dụng cho việc ăn hàng ngày khoảng 4.000 tấn và số còn lại đang nằm trong kho. Tính ra hộ nào cũng còn từ 2 - 3 tấn. Ông Đỗ Châu Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện cho biết: Chưa có năm nào đời sống của người dân trên địa bàn lại gặp khó khăn như năm nay với cái vòng luẩn quẩn "được giá mất mùa - được mùa mất giá". Mặt dù sống trong vùng thị trấn, nhưng có đến hơn 80% số dân làm nghề nông, chủ yếu vẫn là trồng cây lúa. Trước thực tế này, các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần vào cuộc, cùng tham gia gỡ khó cho nông dân.
Không riêng gì nông dân ở thị trấn Phú Thiện mà cả trong vùng tưới Ayunhạ đều gặp khó, bởi lượng lúa thương phẩm còn quá lớn trong dân. Những kiến nghị của ông Đỗ Châu Minh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Thiện, cũng là mong muốn của bà con nông dân, nhằm sớm tạo điều kiện ổn định cuộc sống và phát triển bền vững cây lúa trong vùng tưới trọng điểm này.
Nguyễn Hoài Nam