Thiếu máy móc, thiết bị, Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 tỉnh Thanh Hóa chậm tiến độ

Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải), Dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) phía Bắc thứ 2 -Nâng cấp Quốc lộ 217, tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2), sau hơn một năm thi công mới được 20% khối lượng. Tiến độ như trên bị chậm 10% so với kế hoạch mà Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.

Mặc dù tiến độ bị chậm so với kế hoạch đề ra nhưng ghi nhận của phóng viên tại hiện trường cuối tháng 2 đầu tháng 3, không khí thi công rất ảm đạm, đi cả tuyến hàng chục cây số (đoạn huyện Cẩm Thủy và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) không có máy móc thi công. Một vài đoạn có máy móc thi công nhưng chỉ thực hiện việc đào rãnh thoát nước.

Đặc biệt, việc đảm bảo an toàn thi công tại các điểm đào đắp không được chú trọng như không có biển báo, chăng dây phản quang cảnh báo an toàn dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, việc bảo đảm môi trường cũng chưa được các nhà thầu quan tâm như vẫn còn hiện tượng cát bụi mù mịt do có xe tưới nước chuyên dụng khiến người dân địa phương bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Huấn cho hay, mới đây Ban Quản lý dự án Thăng Long đã chỉ đạo cho các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh thi công. Tuy nhiên, các nhà thầu đã không thực hiện như cam kết.

Trao đổi với phóng viên về lý do chưa huy động máy móc vào công trường, ông Võ Văn Tưởng, cán bộ dự án (nhà thầu Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hoàng Long) cho biết, cuối năm vừa qua đơn vị đã đưa máy móc đi bảo dưỡng, sửa chữa nên chưa kịp phục vụ dự án. Bên cạnh đó, công ty cũng có chủ trương đảo máy móc từ công trường này đi công trường khác nên hiện tại máy móc thi công trên công trường chưa đủ. Mặt khác, ra Tết tinh thần cán bộ, nhân viên trên tuyến chưa tập trung vào công việc.

Ông Võ Văn Tưởng cho biết thêm, nhiều đoạn thi công đã được nhà thầu bố trí biển báo, dây phản quang bảo đảm an toàn giao thông nhưng những thiết bị này đã bị mất chưa kịp bổ sung.

Nói thêm về lý do tiến độ bị chậm, đại diện các nhà thầu đang thi công trên tuyến cho hay, mặt bằng chỉ còn vướng mắc một số đoạn nhưng do điều kiện thời tiết trước đó không thuận lợi, mưa nhiều nên sản lượng không đạt yêu cầu đề ra. Trong thời gian tới, các nhà thầu sẽ huy động thêm máy móc đẩy mạnh thi công để bù tiến độ theo cam kết với Bộ Giao thông Vận tải.

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, cho biết: ngay ngày mai (5/3) ông sẽ trực tiếp vào công trường kiểm tra và sẽ có những giải pháp yêu cầu các nhà thầu đẩy mạnh thi công, khắc phục chậm tiến độ các gói gói thầu. Trong trường hợp các gói thầu bị chậm không có biện pháp bù tiến độ, Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cắt tiến độ chuyển cho các nhà thầu khác có năng lực.

“Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn giao thông cũng sẽ là nội dung quan trọng mà Ban Quản lý dự án Thăng Long yêu cầu các nhà thầu nghiêm chỉnh thực hiện. Trong trường hợp các nhà thầu không đảm bảo vấn đề này sẽ cho dừng thi công và không thanh toán kinh phí về bảo đảm an toàn giao thông”, ông Nguyễn Văn Huấn nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty Luật An Viên - ANVLaw (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, so với các dự án đầu tư tư nhân, ví dụ như sân bay Vân Đồn, nhà đầu tư tư nhân làm rất nhanh và dự án phát huy hiệu quả kinh tế xã hội ngay. Tuy nhiên, các dự án đầu tư công vay vốn các tổ chức tín dụng quốc tế thì thường thi công chậm dẫn đến hiệu quả kinh tế xã hội bị giảm. Đặc biệt, những dự án như Quốc lộ 217, nếu Ban Quản lý dự án bám sát tiến độ, yêu cầu các nhà thầu đẩy mạnh thi công hoàn thành tiến độ đề ra sẽ giúp hiệu quả sử dụng vốn vay một cách hiệu quả. Qua đó, giúp người dân vùng dự án được hưởng lợi.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án nâng cấp mạng lưới giao thông GMS phía Bắc lần 2 (Quốc lộ 217) có tổng nguồn vốn 73,339 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 7 triệu USD tiền đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án thi công trong vòng 18 tháng (từ tháng 3/2018).

Dự án hoàn thành không chỉ có ý nghĩa lớn đối với tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam nói riêng, mà còn có vai trò quan trọng trong phát triển chung của khu vực khi tuyến Quốc lộ 217 - tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam và các đoạn tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn của Lào thuộc Hành lang Đông Bắc của GMS kết nối vùng Đông Bắc Lào với Bắc Việt Nam và nối ra biển tại Thanh Hóa.

Quang Toàn (TTXVN)
Dự án nâng cấp Quốc lộ 32C qua Yên Bái bị treo do thiếu vốn
Dự án nâng cấp Quốc lộ 32C qua Yên Bái bị treo do thiếu vốn

Giai đoạn II của Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương – thành phố Yên Bái được triển khai thực hiện từ tháng 9/2015 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn đang treo do thiếu vốn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN