Thị trường lao động năm 2012: Nhu cầu cao vẫn khó tuyển

Thời điểm sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Để công việc sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp đã ráo riết lên kế hoạch tuyển dụng lao động.

Doanh nghiệp nhỏ khó tuyển

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực TP.HCM, tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết là do công nhân về quê ăn Tết chưa kịp vào làm việc, hoặc một số khác chuyển dịch về các tỉnh làm việc. Bên cạnh đó, các lao động tay nghề cao cũng từ chối trở lại làm việc nếu tìm được những nơi làm việc mới có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Những ngành nghề thường thiếu hụt lao động trong thời gian này là nhóm: dệt - may - giày da, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì; xây dựng, cơ khí; điện tử… Đây trở thành thời điểm các doanh nghiệp căng thẳng tuyển dụng lao động ồ ạt để bù đắp.

Các doanh nghiệp rầm rộ đăng thông báo tuyển dụng.


Anh Đỗ Hữu Hoàng, quê Quảng Ngãi làm việc tại KCX Tân Thuận, cho biết: “Giá cả sinh hoạt ở thành phố mỗi lúc một tăng, trong khi tiền lương công nhân thì thấp. Năm nay tôi quyết định ở lại quê làm việc. Bởi bây giờ ở quê cũng có nhiều nhà máy xí nghiệp, vừa được gần nhà, chi phí lại đỡ đắt đỏ hơn”. Trong khi đó, chị Trần Thị Đợi - công nhân may ở quận 12, chia sẻ: “Thường sau khi biết tiền thưởng Tết là công nhân sẽ lên kế hoạch có tiếp tục làm việc tại công ty này hay chuyển sang một công ty khác. Thông thường, công nhân hay “nhảy việc” đến những công ty có chế độ phúc lợi xã hội tốt, lương cao và thu nhập ổn định hơn. Hiện công ty tôi thấy công nhân nghỉ việc sau Tết khá nhiều, để bù đắp lại dây chuyền còn thiếu, công ty đã thông báo tuyển dụng hàng trăm công nhân”.

Theo Trung tâm Phân tích dự báo của Viện Khoa học xã hội, năm 2012 là giai đoạn khó khăn nên nhu cầu tuyển dụng lao động giảm sút. Đơn hàng ngành dệt may từ cuối năm 2011 đến tháng 4/2012 bị giảm sút nghiêm trọng đến 50 - 60%. Giá đơn hàng cũng giảm đáng kể từ 5 - 10% đối với hàng gia công. Bên cạnh đó, ngành da giày Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Trong báo cáo cuối năm 2011, Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng sự cạnh tranh lao động trong năm 2012 sẽ bớt căng thẳng và ngành da giày sẽ không phải đứng trước tình trạng mất lao động như các năm trước. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động sẽ xảy ra tại một số doanh nghiệp nhỏ do không có đơn hàng trong năm mới. Việc thiếu đơn hàng có thể khiến lao động tự nghỉ việc và khi có đơn hàng trở lại thì có khả năng công ty lại rơi vào tình trạng thiếu lao động.

Đại diện phòng nhân sự Công ty TNHH một thành viên Kỳ Thắng -hoạt động trong lĩnh vực giày da, cho biết công ty chỉ có khoảng 300 – 400 công nhân, nhưng để dự phòng số lao động nghỉ việc sau Tết và nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty cũng sẽ tuyển thêm khoảng 100 công nhân.

Vẫn thiếu lao động

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm các KCX –KCN TP.HCM, cho biết: Trong Tết, các doanh nghiệp ráo riết tổ chức thưởng Tết, chăm lo đời sống cho người lao động nhằm giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Mặc dù đã hạn chế được phần nào người lao động “nhảy việc” sau Tết nhưng tình trạng lao động bỏ doanh nghiệp vẫn diễn ra phổ biến vào mỗi dịp sau Tết, khiến không ít doanh nghiệp phải lao đao. Tuy nhiên theo dự báo, tình hình lao động năm nay sẽ bớt căng thẳng hơn so với mọi năm.

Chế độ phúc lợi xã hội tốt, lao động dễ gắn bó với doanh nghiệp.


Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Dương:
Chủ động phối hợp với các tỉnh để tìm kiếm lao động
Mặc dù trong năm 2011 các doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng vẫn cố gắng chăm lo thưởng Tết cho công nhân nhằm giữ chân lao động. Theo dự báo trong năm 2012, tình trạng “nhảy việc” của công nhân sẽ không như mọi năm, bởi với chế độ bảo hiểm thất nghiệp yêu cầu người lao động phải làm việc trong một thời gian nhất định mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường có chính sách phúc lợi đối với những công nhân gắn bó lâu dài với công ty. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà tình trạng công nhân nghỉ việc hoặc “nhảy việc” sau Tết vẫn còn. Tính tới thời điểm này, đã có khoảng 10% người lao động làm đơn xin nghỉ việc tại các doanh nghiệp. Trong năm 2012 toàn tỉnh sẽ tuyển mới khoảng 45.000 - 50.000 lao động, tăng khoảng 5.000 lao động so với năm 2011. Để ứng phó với tình trạng thiếu lao động sau Tết, các doanh nghiệp cũng đã tăng cường phối hợp với các tỉnh nhằm tìm nguồn lao động.

Ông Đào Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Đồng Nai:
Doanh nghiệp cần tuyển thêm 70.000 lao động
Năm 2012 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ cần tuyển khoảng 70.000 lao động mới, tập trung chủ yếu ở những ngành nghề như may mặc, giày da, điện tử, gỗ… Theo dự báo thì khả năng thiếu hụt lao động trong năm 2012 có thể xảy ra khi nguồn lao động trong tỉnh chỉ có thể cung ứng được khoảng hơn 50%, còn lại là cần tuyển lao động ngoài tỉnh. Trong đó, nhu cầu lao động đã qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học chiếm khoảng 35.000 lao động.

Ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý lao động thuộc Ban quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM:
Chuyển dịch lao động từ DN nhỏ sang DN lớn

Trong năm 2012, các ngành có thâm dụng lao động lớn sẽ không có nhu cầu tuyển dụng nhiều như mọi năm. Với các doanh nghiệp dệt may, da giày trong các khu công nghiệp thì tình hình đơn hàng năm nay khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất nên không đăng ký tuyển nhiều. Cụ thể, năm nay các công ty tại các KCN –KCX TP.HCM có nhu cầu tuyển khoảng 30.000 lao động. Hiện tại đang có một luồng dịch chuyển lao động từ các doanh nghiệp nhỏ, lương thấp, đơn hàng khó khăn sang các doanh nghiệp lớn, ổn định nên gây ra tình trạng nơi thiếu, nơi thừa lao động. Khác hẳn với mọi năm, đa phần doanh nghiệp năm nay đều “than” không tìm đâu ra lao động.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp tại TP.HCM cần tuyển 45.000 lao động. Trong đó, tháng 1 cần tuyển khoảng 15.000 lao động và tháng 2 khoảng 30.000 lao động do các doanh nghiệp bắt đầu tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh. Về tỉ lệ cơ cấu trình độ lao động, trình độ đại học và trên đại học 7%, cao đẳng 8%, trung cấp 13%, công nhân kỹ thuật – sơ cấp 15%, lao động phổ thông 57%. Một số ngành nghề sẽ thu hút nhiều lao động là dệt may - da giày, xây dựng, cơ khí, điện - điện tử. Trong quý II và quý III/2012, thị trường lao động sẽ tiếp tục có sự biến động về cung - cầu, nhưng đã có sự ổn định hơn so với quý I. Trong quý III và IV của năm 2012, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tập trung vào nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ chuyên môn cao trong một số nhóm ngành nghề như: cơ khí, công nghệ thông tin, quản lý nhân sự, hóa - hóa chất, marketing, kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, y tế, chăm sóc sức khỏe, xây dựng - kiến trúc.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết dự kiến nhu cầu nhân lực của TP.HCM năm 2012 sẽ có 265.000 chỗ làm việc, trong đó sẽ có trên 120.000 chỗ làm việc mới. Trong tổng số nhu cầu nhân lực năm 2012, nhu cầu tuyển dụng lao động của các KCN - KCX của thành phố là 30.000 chỗ làm việc với các nhóm ngành nghề như: điện - điện tử (18%), dệt may (18%), dịch vụ, cơ khí, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, mộc, bao bì, hóa dược…

Trong khi nhu cầu lao động TP.HCM vẫn thiếu, thì tại các KCN –KCX ở Đồng Nai, Bình Dương cũng đã thông báo tuyển dụng hàng chục ngàn lao động để phục vụ cho nhu cầu sản xuất – kinh doanh sau Tết. Anh Tiến Thành, cán bộ tổ chức công đoàn lao động Công ty Nam Yang (Đồng Nai) cho biết hiện công ty đã đăng thông báo tuyển dụng hơn 1.000 lao động nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như dự trù số lao động nghỉ việc sau Tết. Để thu hút công nhân vào làm việc, công ty đã đưa ra các chính sách “hấp dẫn” như: Đối với lao động chưa có tay nghề, lương cơ bản là 2,4 triệu đồng/tháng, phụ cấp tiền nhà 250.000 đồng/tháng, tiền xe 200.000 đồng/tháng và tiền tăng ca… Ngoài ra, công ty còn “hút” lao động bằng chính sách, ai nộp đơn vào làm việc trong công ty được 3 tháng sẽ nhận thêm 500.000 – 1 triệu đồng và người giới thiệu lao động vào làm việc trong công ty cũng được một khoản tương tự.

Ông Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai, nhận định: Có thể sàn giao dịch việc làm vào ngày 10/2/2012 tại Đồng Nai sẽ sôi động nhất, bởi lúc này nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc của người lao động khá cao.

Đan Phương

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN